Ngân hàng lãi lớn giữa đại dịch, nhưng sức khỏe đã thực sự tốt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng dù lợi nhuận “khủng” nhưng so với vốn chủ sở hữu và tổng tài sản thì tỷ lệ không lớn. Trong khi đó, việc được giãn hoãn trích lập dự phòng theo Thông tư 03 cũng khiến một phần nợ xấu và trích lập dự phòng của nhiều nhà băng chưa được tính toán đầy đủ.

Lợi nhuận nhiều ngân hàng “tăng bằng lần”

Các ngân hàng thương mại vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 với điểm chung là hầu hết ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Tính đến 31/7, đã có 26 ngân hàng thương mại (chiếm 99,5% vốn hóa ngành) đã công bố kết quả kinh doanh, hoặc ước tính cho quý II/2021.

Trong đó, khối ngân hàng tư nhân có Techcombank, VPBank trưởng lợi nhuận vượt bậc. Cụ thể, quý II, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng, VPBank 5.031 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, hai nhà băng này đạt lợi nhuận lần lượt 11.536 tỷ đồng và 9.037 tỷ đồng, vươn lên vị trí thứ hai và thứ tư trong bảng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng.

Một số ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh, thậm chí 3-5 lần, như Ngân hàng Hàng hải (MSB) đạt 3.119 tỷ đồng; Ngân hàng Quân đội (MB) đạt 7.986 tỷ đồng, ACB đạt 6.352 tỷ đồng, HDBank 4.193 tỷ đồng, VIB 3.954 tỷ đồng...

Tuy nhiên, tại top 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, xu hướng trong 6 tháng đầu năm có sự phân hóa. Trong khi Vietcombak và Vietinbank có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động thì BIDV thì ngược lại.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.938 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 2.800 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, và chỉ bằng 56% so với dự kiến đề ra. Còn BIDV, lợi nhuận tăng tới 86% trong quý II, đạt 4.726 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank là 13.500 tỷ đồng, Vietinbank là 11.536 tỷ đồng, còn BIDV đạt 8.122 tỷ đồng

Ngân hàng vẫn chưa thực sự khỏe mạnh

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh bất chấp dịch Covid-19, theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS) cho rằng, dịch bệnh khiến lãi suất huy động, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng, qua đó giúp biên độ lãi ròng (NIM) cải thiện, và lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ.

Lợi nhuận không phải con số duy nhất phản ánh sức khỏe ngân hàng

Lợi nhuận không phải con số duy nhất phản ánh sức khỏe ngân hàng

Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), lợi nhuận NH cần được nhìn nhận khách quan, toàn diện. Sau hơn 1 năm tổ chức thực hiện Thông tư số 01 cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí. “Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của các ngân hàng tất yếu sẽ giảm mạnh”, ông Hùng chỉ ra.

Cũng cho rằng cần có cái nhìn tổng thể về lợi nhuận ngân hàng, TS Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu nhìn vào giá trị tuyệt đối về lợi nhuận ngân hàng lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng thì câu chuyện rất lớn. Nhưng nếu nhìn vào các chỉ số ROE, ROA (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản) thì ngân hàng so với các doanh nghiệp niêm yết là không phải cao. “Như thế sẽ có bức tranh đầy đủ, rõ ràng hơn về lợi nhuận ngân hàng” – ông nói.

Thứ hai là câu chuyện về trích lập. Để tạo điều kiện cho ngân hàng có thể cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 03 về cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ, nhờ đó các ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ xấu được cơ cấu, do đó giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Thứ ba, theo TS Võ Trí Thành, hệ thống ngân hàng đang ổn định dần lại nhưng chưa phải quá lành mạnh. Việc tái cấu trúc, đáp ứng các chuẩn mực tốt, không chỉ Basel 2 mà tiến tới là Basel 3... thì yêu cầu về vốn của các ngân hàng sẽ cao.

“Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam không phải đã quá mạnh mẽ nếu so về các tiêu chuẩn đó, cho nên họ cũng cần tăng cường tiềm lực. Các ngân hàng không phải ngẫu nhiên mà chia cổ tức rất ít, đa phần chia bằng cổ phiếu để tăng vốn, đáp ứng các chuẩn mực, yêu cầu mới. Đó là câu chuyện dài hạn liên quan đến sức mạnh hệ thống tài chính của Việt Nam” - vị chuyên gia phân tích.