Ngân hàng cam kết giảm lãi vay nhưng khó khăn vẫn chờ doanh nghiệp ở phía trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng cùng vào cuộc quyết hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãi suất có lẽ chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để giải bài toán phục cho các doanh nghiệp.

Ngân hàng cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm một loạt lãi suất điều hành lần thứ ba liên tiếp kể từ giữa tháng 3 tới nay. Sau 3 lần điều chỉnh, trần lãi suất huy động với tiền gửi dưới 6 tháng đã giảm từ mức 6%/năm về 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm về 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm còn 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 7,0%/năm xuống 5,5%/năm… Như vậy, các mức lãi suất điều hành đã giảm 1 - 1,5%/năm, qua đó giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngân hàng, góp phần giảm lãi suất cho vay.

Với việc giảm lãi suất điều hành cùng và hàng loạt chỉ đạo quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước, cùng với đó là tình trạng hấp thụ vốn yếu ớt từ phía doanh nghiệp, lãi suất huy động đã nhanh chóng hạ nhiệt. Nếu như cuối năm ngoái, đầu năm nay, một số ngân hàng chạy đua lãi suất huy động lên tới 12 - 14%/năm (bao gồm cả các chương trình khuyến mại), thì hiện nay, lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 8,5%/năm.

Mặt bằng lãi suất huy động phổ biến trên thị trường với kỳ hạn dưới 6 tháng đều đã về không quá 5%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng trong khoảng 6 - 7,5%/năm; các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng 7 - 8,5%/năm, tùy từng ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất cho vay cũng hạ nhiệt. Tại Vietcombank, ngân hàng cho biết từ đầu năm đến nay đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn với mức giảm 0,5%/năm, cho khoảng 240 lượt khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay là cần thiết, nhưng chưa đủ để giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thời điểm hiện tại, giảm lãi suất chỉ có thể coi là giải pháp mang tính giai đoạn. Vấn đề là phải làm sao phục hồi nền kinh tế một cách toàn diện, khắc phục các đứt gãy. Khi các thị trường hồi phục dần, rủi ro nền kinh tế giảm thì lãi suất cũng sẽ duy trì mức thấp.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, Vietcombank đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung. Ngân hàng Agribank cho biết đã vừa dành 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trung dài hạn cho 2 triệu khách hàng hiện hữu. Tùy từng đối tượng, lĩnh vực, có đối tượng Agribank đã giảm 4% so với đầu năm, bình quân giảm 1%/năm.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng cho biết, từ đầu năm đến nay MB đã tung ra 120.000 tỷ đồng các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. “Trong thời gian vừa rồi, MB cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất huy động lần này thì MB sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới” - ông Phạm Như Ánh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại mới đây, NHNN đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc giảm lãi suất cho vay và trong vài ngày tới, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất rất mạnh. OCB cũng đã ngay lập tức giảm lãi suất cho vay, trong đó, với khách hàng cũ, OCB sẽ giảm ít nhất 0,5 điểm % cho tất cả khách hàng; thậm chí một số đối tượng khách hàng sẽ được giảm sâu hơn. Đối với khách hàng mới sẽ không giảm thêm do lãi suất đã ở mức thấp.

Chưa thể gỡ hết nút thắt của doanh nghiệp

Dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng trên thực tế vẫn ở mức cao so với thế giới, khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng. Trong báo cáo vừa công bố, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) cho rằng, lãi suất cho vay bình quân 9% - 10,7% ở Việt Nam là rất cao, làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Huy động vốn giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân. Theo đó, VEPR khuyến nghị, đã đến lúc Việt Nam chuyển chiến lược tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ sang vốn rẻ. Chỉ khi nền kinh tế phát triển dựa trên vốn rẻ mới tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp phát triển.

Lý giải tình trạng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng nguyên nhân là do độ trễ giữa lãi suất huy động và cho vay, vì lãi suất cho vay hiện tại dựa trên giá vốn của huy động trong quá khứ. Cụ thể, lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng phải huy động phải lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý I-2023, và các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này nên chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lý giải về việc lãi suất cho vay hiện nay còn cao. Theo đó, cơ quan quản lý cho biết, điều kiện kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167 nghìn tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao. Mặt khác, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước. Theo đó, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023 gây áp lực tới lãi suất trong nước.

Không chỉ áp lực từ bên ngoài mà trong áp lực lạm phát trong nước cũng ảnh hưởng tới lãi suất, khi người dân kỳ vọng lãi suất thực dương, các ngân khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao. Cùng với đó, việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất…

Không chỉ vậy, theo các chuyên gia, việc nợ xấu ngân hàng ở mức cao trong và sau dịch Covid-19 cũng khiến việc giảm lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng kinh doanh dựa trên nguyên tắc rủi ro cao thì lợi nhuận phải cao, tức là khi kinh doanh ở môi trường rủi ro tăng cao thì phải tăng lãi suất.

Thực tế thì nợ xấu - thanh khoản - lãi suất luôn là một vòng luẩn quẩn. Sự thiếu hụt thanh khoản một phần đến từ nguyên nhân nợ xấu tăng cao, làm dòng tiền cho vay không trở lại với ngân hàng, buộc nhiều ngân hàng phải tăng huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản, kéo theo lãi suất cho vay tăng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay là cần thiết, nhưng chưa đủ để giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thời điểm hiện tại, giảm lãi suất chỉ có thể coi là giải pháp mang tính giai đoạn. Vấn đề là phải làm sao phục hồi nền kinh tế một cách toàn diện, khắc phục các đứt gãy. Khi các thị trường hồi phục dần, rủi ro nền kinh tế giảm thì lãi suất cũng sẽ duy trì mức thấp.