Ngăn chặn toan tính lợi dụng dịch bệnh để thực hiện mưu đồ chính trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi cả nước đang gồng mình, cùng nhau chung tay vượt qua những thử thách hết sức cam go, căng thẳng, thì các tổ chức phản động, cơ hội chính trị, lực lượng chống đối lại tìm đủ mọi cách lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá, gây tâm lý hoang mang trong dư luận, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Thông tin bịa đặt trên mạng về công tác hỗ trợ người dân trong dịch bệnh

Thông tin bịa đặt trên mạng về công tác hỗ trợ người dân trong dịch bệnh

Cố tình bịa đặt để phủ nhận nỗ lực, thành quả chống dịch của Việt Nam

Tính đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng dịch với tính chất và quy mô ngày càng phức tạp. Dịch bệnh đã gây nhiều hệ lụy với đời sống kinh tế-xã hội, nhất là khi nhiều tỉnh, thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Nền kinh tế trì trệ, tốc độ tăng trưởng suy giảm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tác động tiêu cực của dịch bệnh là thách thức mà thế giới và Việt Nam đang phải nỗ lực vượt qua. Thế nhưng, đó lại chính là cơ hội để các thế lực chống đối, thiếu thiện chí lợi dụng để nói xấu Việt Nam.

Trước hết, chúng tìm cách vẽ lên một thực trạng u ám về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Thông qua các tin giả, các số liệu bịa đặt, chúng cáo buộc Chính phủ Việt Nam cố tình che giấu sự thật về tốc độ lây lan của dịch bệnh, cũng như các số liệu chính thức về số người nhiễm bệnh, số ca tử vong. Nếu không thận trọng kiểm chứng qua những nguồn tin chính thống, người đọc rất dễ nảy sinh tâm lý hoang mang, lo sợ quá mức, mất niềm tin vào nỗ lực chống dịch của chính quyền. Chẳng dựa trên cơ sở thực tế nào, những đối tượng chống phá cho rằng Việt Nam chống dịch với tư duy thời chiến, duy ý chí, rằng đảng độc quyền chống dịch không nghe theo lời khuyến cáo của các chuyên gia cũng như ý kiến của dư luận, không học theo kinh nghiệm của các nước khác.

Chúng chỉ trích cán bộ là “những người ngồi trên cao” nên ra những chỉ thị, chính sách “sai lầm, vô lý, cực đoan, hà khắc”; chính quyền thì “xa dân, vô cảm”. Khi một số địa phương triển khai giãn cách xã hội căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch bệnh, điều mà các nước trên thế giới đều áp dụng, thì chúng lớn tiếng vu cáo, rằng Việt Nam vi phạm về quyền tự do đi lại, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam thực hiện “ngăn sông cấm chợ” gây khó khăn cho cuộc sống của người dân…

Trong khi cả hệ thống chính trị của đất nước vào cuộc “chống dịch như chống giặc” để thực hiện mục tiêu cao nhất mà Đảng và Nhà nước khẳng định là “ưu tiên cao nhất là bảo vệ sức khỏe người dân”, thì những kẻ chống đối lại bịa đặt ra rằng Việt Nam chỉ hăng say với thành tích chống dịch, để cho dân bị thiếu đói, bị ảnh hưởng cả về tâm lý, sức khỏe tâm thần…Từ đó, chúng tự cho mình kết luận rằng cách phòng chống dịch của Việt Nam thời gian qua là yếu kém, sai lầm, khiến cho tình hình dịch bệnh thêm trầm trọng và đời sống của người dân hết sức khốn khổ.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, đã có hàng chục nghìn bài viết, bình luận sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh trật tự được các đối tượng chống phá đưa lên hàng trăm website và hàng nghìn nhóm, tài khoản mạng xã hội trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Chẳng khó khăn gì để có thể thấy đây là âm mưu của những thế lực thù địch, đối tượng chống đối, thiếu thiện chí với Việt Nam đang lợi dụng tình hình dịch Covid-19 phức tạp để bịa đặt, phủ nhận nỗ lực, thành quả mà Việt Nam đã đạt được.

Từ đó, công kích vào chủ trương, biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh, cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch. Mục tiêu của chúng là gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, dẫn đến rối loạn xã hội, thậm chí là đổ vỡ, thay đổi chế độ.

Tỉnh táo, thận trọng trước những mưu đồ chính trị thâm hiểm

Đại dịch Covid-19 là thử thách hiếm có mà thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân theo chủ trương “tính mạng con người là trên hết, trước hết và quý giá nhất” và với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ và cũng là giá trị truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Thực tế cho thấy khi phải tính toán thiệt hơn giữa lợi ích kinh tế và thiệt hại do các biện pháp chống dịch hà khắc, trong khi nhiều nước còn đang do dự, thì Việt Nam đã khẳng định “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là ưu tiên cao nhất”. Trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, Chính phủ cũng luôn nêu rõ yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là lo cho người dân, nhất là người nghèo, những người thất nghiệp.

Để bảo đảm cơ hội điều trị cho tất cả mọi người, Việt Nam đã quyết định bổ sung Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, những người nhiễm bệnh sẽ được khám và điều trị miễn phí. Trong bối cảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị Covid-19, đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam nhằm bảo vệ người dân trước hiểm họa của đại dịch. Chính phủ còn tổ chức các khu cách ly để ngăn chặn dịch bùng phát với quy định miễn phí trong thời gian dài, tổ chức các chuyến bay sang vùng dịch đón công dân về nước.

Với các nhóm dễ bị tổn thương bởi đại dịch, Việt Nam đã thông qua nhiều biện pháp trợ giúp như các gói an sinh xã hội với tổng kinh phí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng cho các đối tượng, như: người nghèo, người khuyết tật, người già, người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc bị giảm thu nhập... Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu phải giảm giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như điện, thực phẩm... để giảm gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.

Gần đây nhất, khi hàng chục nghìn người dân ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., những người có nhu cầu về quê sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gặp không ít khó khăn trên đường đi cũng như ổn định cuộc sống, Chính phủ đã có ngay Công điện 1314/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng về quê an toàn, chu đáo.

Các lực lượng, trong đó có công an, đã làm hết sức mình để bảo đảm an toàn cho người dân, như tổ chức đón, dẫn các đoàn người về quê; hỗ trợ phương tiện, y tế, thức ăn… trên đường đi, nhất là với người lớn tuổi, trẻ em, người đau yếu. Các địa phương bố trí các khu vực tiếp nhận ban đầu, kiểm tra y tế… Trong tình hình phức tạp của dịch bệnh, số người có nhu cầu về quê lại tập trung trong thời gian ngắn, việc giải quyết không phải lúc nào cũng chu toàn như mong muốn. Việc những đối tượng chống đối, thiếu thiện chí cố tình làm ngơ trước những nỗ lực của Việt Nam mà chỉ tìm cách lợi dụng tình hình dựng lên những những vấn đề như “tháo chạy” hay “tha phương cầu thực” là nhằm bôi xấu chế độ, phá hoại uy tín của Việt Nam. Làm gì thì làm, cuối cùng chúng cũng lòi mưu đồ chính trị nhất quán từ trước tới nay là tìm cách thay đổi chế độ ở Việt Nam.

Mỗi người cần tỉnh táo, thận trọng khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội; tránh tin, nghe theo những đồn đại vô căn cứ, thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa được các cơ quan chức năng xác nhận. Đặc biệt, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả, sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Điều cần nhất bây giờ là tinh thần đoàn kết, là sự chung tay, góp sức từ tất cả mọi người để chúng ta sớm chiến thắng đại dịch Covid-19, để trở về những ngày bình thường và tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, vững mạnh.