Ngăn chặn mua bán vũ khí trên mạng bằng mọi biện pháp

ANTD.VN - Đánh giá 1 năm triển khai, thực hiện thực hiện Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) nhìn nhận, hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp tục có diễn biến phức tạp dù lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá nhiều vụ án lớn. Đặc biệt, những hoạt động mua bán, giao dịch qua Internet, mạng xã hội, dịch vụ bưu chính đang có nhiều biến tướng khá tinh vi. 

Công khai rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội

Hút hàng mua bán vũ khí trên mạng

Không khó để tìm kiếm các trang mạng xã hội, thậm chí là các ứng dụng thương mại điện tử chào bán công khai vũ khí, công cụ hỗ trợ. Dưới các tên gọi như: Shop vũ khí tự vệ - súng đạn thật; Chợ mua bán vũ khí, mua bán công cụ hỗ trợ; Chuyên bán súng K54, K59, công cụ hỗ trợ... những trang mạng xã hội này luôn thu hút hàng chục nghìn lượt like và bình luận  mỗi ngày. Không chỉ đăng hình ảnh cụ thể từng loại vũ khí, chủ những tài khoản này còn công khai luôn cả số điện thoại để người mua tiện giao dịch. 

Phần lớn công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm được rao bán trên Internet hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài và nhập lậu qua biên giới tuồn vào các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh... Nguy hiểm hơn, một số đường dây mua bán còn kiêm luôn cả khâu sản xuất súng, đạn và nhận “nâng cấp” từ súng ít sát thương lên súng gây sát thương cao.

Một số đối tượng dùng các loại máy móc công nghệ cao để sao chép, sản xuất nhiều loại súng có tính năng cao để bán ra thị trường. Điển hình như vụ việc xảy ra vào ngày 6-2-2019, tại xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Tại thời điểm trên, cháu Ngô Phương Thảo (SN 2008) đi qua nhà Nguyễn Đình Chí (SN 2005) thì xảy ra mâu thuẫn. Chí về nhà lấy súng hơi ra dọa dẫn đến súng phát nổ, hậu quả làm cháu Thảo tử vong. Quá trình điều tra phát hiện, khẩu súng trên do bố của Chí là Nguyễn Đình Linh (SN 1984) đặt mua trên mạng về để săn bắn. 

Muốn ngăn chặn tình trạng bán công khai vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên mạng thì Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tham mưu với Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin truyền thông trong quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với các trang thông tin điện tử. 

Ngoài ra, hiện nay hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và chi tiết, linh kiện của vũ khí, công cụ hỗ trợ còn xuất hiện trên một số ứng dụng thương mại điện tử có lượng người dùng lớn như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee... Đây là hoạt động mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ với quy mô lớn, tính chất nguy hiểm, phức tạp, rất khó phát hiện, bắt giữ. Nếu không được quan tâm, tập trung đấu tranh, xử lý kịp thời, hậu quả sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh tội phạm, ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội. 

Đấu tranh với những thủ đoạn tinh vi

Theo chỉ huy Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), hoạt động mua bán vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội diễn ra dưới rất nhiều hình thức và khó lường. Các đối tượng chủ yếu sử dụng tài khoản ảo, sim rác, không xuất đầu lộ diện khi chưa xác định chắc chắn người mua hàng. Các đối tượng này còn thận trọng kiểm tra, xác định người mua rất kỹ, khi thấy an toàn mới giao dịch và thường hẹn ở các quán cà phê, trong các ngõ nhỏ hoặc khu dân cư vắng vẻ, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Lực lượng công an đấu tranh mạnh với các đối tượng buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ online

Theo một cán bộ của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ thường dùng Facebook, Zalo, Line… để tìm hiểu thông tin, rao bán, móc nối, thỏa thuận giá. Khi thanh toán tiền, chúng sử dụng hệ thống ngân hàng hoặc dịch vụ thu hộ của các công ty chuyển phát. Các bưu gửi thường chia nhỏ, tách rời từng bộ phận, chi tiết của vũ khí, công cụ hỗ trợ và gửi làm nhiều lần. Chúng cũng sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau để gửi cho cùng một đối tượng nhận.

Kê khai tên mặt hàng trong bưu gửi không đúng thực tế nhằm đánh lừa đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như qua mặt cơ quan chức năng. Các đối tượng còn đăng ký làm khách hàng lớn để hạn chế sự kiểm tra tại khâu chấp nhận gửi của bưu cục nhận. Có trường hợp người gửi dùng tên, địa chỉ giả, hoặc người gửi ở địa bàn này nhưng lại tới địa bàn khác để gửi; không kê khai rõ tên, địa chỉ người gửi mà chỉ ghi tên bưu cục và số điện thoại của người nhận; ngụy trang vũ khí, công cụ hỗ trợ thành bộ phận khác như cho nòng súng vào ống kim loại, ống nhựa rỗng, bỏ vào ghi đông xe đạp. Một số linh kiện, phụ kiện đa tính năng có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như bình nén khí, bơm thủy lực, ống ngắm... 

Tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ

Chỉ tính riêng trong hơn 1 năm qua, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 9.397 bưu gửi trong nước, chứa 11.626 vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện, vật liệu để chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ. Hầu hết các loại vũ khí xác định là súng săn, súng hơi. Trong đó, nhiều địa phương phát hiện số lượng lớn bưu gửi có chứa vũ khí, công cụ hỗ trợ qua đường bưu chính như Bắc Giang, Quảng Trị, TP.HCM, Thanh Hóa, Hà Giang, Bình Dương...

Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, công tác điều tra, xử lý đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, hướng dẫn lắp đặt vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trên Internet, mạng xã hội, hay dịch vụ bưu chính gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng thường sử dụng nickname ảo, tên ảo, giao dịch thực hiện qua máy chủ đặt tại nước ngoài, không có địa chỉ cụ thể. Cùng với đó, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa chưa được quản lý chặt chẽ.

Thực tế hiện nay, chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn thấp chưa đủ tính răn đe, giáo dục, nên hiệu quả công tác phòng ngừa chưa cao. Do đó, cần tăng chế tài xử phạt đối với những đối tượng buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. 

Cần tăng chế tài xử phạt đối với những đối tượng buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung

Song song với biện pháp này, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng bán công khai vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên mạng thì Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tham mưu với Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin truyền thông trong quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với các trang thông tin điện tử.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet ngăn chặn các trang mạng đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh phục vụ hoạt động mua bán, hướng dẫn, chế tạo, sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trái phép; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quy trình tiếp nhận các loại hàng hóa trước và trong quá trình vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Tăng cường kiểm tra, xác minh triệt để, truy tìm tận gốc

“Trước tình trạng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được bán tràn lan công khai trên mạng xã hội, CATP Hà Nội đã chỉ đạo trực tiếp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao tập trung đấu tranh ngăn chặn các trang mạng cá nhân chào bán công khai loại hàng hóa này. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát tại các nút giao thông trọng điểm, các bến xe, nhà ga, khu vực công cộng... từ đó phát hiện các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. 

Hà Nội hiện đang duy trì 30 tổ công tác liên ngành 141 và các tổ này  thông qua hoạt động cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để kịp thời xử lý; đồng thời, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra, khai thác, xác minh triệt để nhằm mở rộng các vụ việc và truy tìm tận gốc.

Từ thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, CATP cũng đề nghị Bộ Công an tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đảm bảo tính răn đe giáo dục đối với đối tượng vi phạm. Có cơ chế phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khi, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giữa Bộ Công an với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin - truyền thông. 

Bộ Công an cũng cần xem xét, có giải pháp hiệu quả trong phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng mạng xã hội, Internet thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ngăn chặn hiệu quả nguồn vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ được vận chuyển qua các đường biên”. 

Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc CATP Hà Nội

Áp dụng đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn “chợ vũ khí online” 

“Trước diễn biến phức tạp của tình hình buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên mạng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đã có một số biện pháp như tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, phối hợp các bộ, ngành liên quan để xử lý đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ các phụ tùng của vũ khí quân dụng, kể cả một số loại súng tự chế như súng bút, súng hoa cải, súng bắn đạn chì, CO2... có tính sát thương cao, ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng không thuộc danh mục vũ khí quân dụng. 

Đơn vị đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần tích cực ngăn chặn hiểm họa từ “chợ vũ khí online”. Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý đối với các hành vi vi phạm về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhất là trên các tuyến biên giới, cửa khẩu. 

Trong chức năng nhiệm vụ của mình, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao sẽ tiếp tục triển khai nắm tình hình các tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, website có hành vi rao bán, hướng dẫn chế tạo vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ Facebook, Google, Zalo... khóa tài khoản, gỡ bỏ các nội dung vi phạm đã nêu trên. Cục cũng sẽ có biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh với một số trang web, tài khoản rao bán quân trang, quân dụng và vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ với số lượng lớn, trao đổi phối hợp với công an các địa phương để có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng trên địa bàn”.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao

Kiểm soát, ngăn ngừa vi phạm của các trang web, mạng xã hội và ứng dụng trực tuyến

“Thực tiễn công tác đấu tranh, xử lý tội phạm buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội cho thấy, chủ thể tham gia chào bán hàng hóa là hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, trong đó có cả vũ khí, công cụ hỗ trợ chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, cá nhân. Trên các trang mạng, website thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh có thể là hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. 

Các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không có thật để giao dịch, nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau. Thậm chí có trường hợp dùng chính nơi ở làm nơi giao dịch và cất giấu hàng hóa nên gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm. Việc kiểm tra, xử lý của lực lượng Quản lý thị trường cũng như các cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể.

Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng xã hội đều có rủi ro như bị hủy, xóa dấu vết, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng nên không thể kiểm tra được ngay. Hầu hết các giao dịch hàng giả, hàng cấm nói chung, vũ khí và công cụ hỗ trợ nói riêng trên mạng xã hội đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể, nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý khá khó khăn.

Thực tiễn này đòi hỏi phải có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin, phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên môi trường thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử và người bán hàng trên sàn phải thống kê, lưu giữ tất cả các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất  giao dịch, nguồn gốc hàng hóa, nhất là các loại hàng bị cấm.

Hàng hóa đăng bán trên thương mại điện tử phải cung cấp đầy đủ thông tin về ghi nhãn hàng hóa; các hoạt động bán hàng trên mạng cần phải được đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp để thuận lợi cho công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và chống thất thu thuế. Đối với các vi phạm rõ ràng, các cơ quan thực thi cần phải có công cụ trực tuyến khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời và lưu giữ chứng cứ vi phạm (chẳng hạn như tạm thời đóng, ngưng trang web, app,...).

Một vấn đề quan trọng khác là phải tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, website, mạng xã hội, đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Ông Nguyễn Công San - Phó trưởng Cơ quan thường trực  Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội