Cột điện, dây cáp bùng nhùng giữa phố (1)

“Ngầm hóa” khá gian nan

ANTĐ - Bất kể ở phố nhỏ hay phố lớn, người tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội đều bắt gặp cảnh tượng hàng loạt cột điện, dây cáp chình ình, nghênh ngang giữa phố. Tình trạng này tồn tại từ lâu, chậm được khắc phục nên gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.

Cáp võng xuống thấp, phải buộc tạm hoặc chống bằng thang tre

Hạ ngầm xong vẫn chưa đẹp

Hà Nội đã hoàn thành việc ngầm hóa mạng cáp quang, dây điện tại nhiều tuyến phố để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Gần đây đã thực hiện ngầm hóa tại 16 tuyến phố: Bà Triệu, Chùa Bộc - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Chu Văn An, Lê Hồng Phong, Nguyễn Cảnh Chân, Vạn Bảo, Vạn Phúc, Giảng Võ - Láng Hạ, Giang Văn Minh, Văn Miếu, Lê Duẩn - ngã tư Vọng, ngã tư Vọng - Linh Đàm, Quang Trung. Trước đó, việc ngầm hóa cũng được thực hiện tại một số tuyến phố của quận Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Bản - Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội chỉ ra một số hạn chế nảy sinh sau quá trình ngầm hóa như: “Cột điện cũ chưa cắt, các đầu nối không đúng chuẩn, nhất là từ chỗ hạ ngầm đi vào nhà dân trước đây chỉ có cấp phép cho việc hạ ngầm, không cấp phép cho chuyện đưa vào nhà dân, nên thò thụt rất xấu. Bên cạnh đó, các miệng cống mất nắp, dây để chờ chật ních, rất mất mỹ quan”.

Trong khi việc dọn “rác trời” mới được thực hiện lẻ tẻ, cục bộ tại một số tuyến phố thì những tuyến đường khác, hàng bó dây cáp vẫn lòng thòng, chằng chịt trên đầu người đi đường và cả ở dưới đất. Chẳng hạn như tại đường Cầu Diễn, mặc dù mặt đường không rộng, cột điện đã “ăn” ra lề đường nhưng tủ cáp điện và chân cột điện vẫn phải “đèo bòng” thêm hàng chục dây cáp, tủ cáp lớn bé. Chỉ cần 1 xe ô tô và 1 xe máy đi ngang qua chân cột điện này, thì người đi bộ phải “nép” ngay vào chân cột điện vì đường quá hẹp!

Hệ thống dây cáp, dây điện tại đường Ngọc Hà đoạn gần Hoàng Hoa Thám... cũng làm người đi đường khiếp sợ, nhất là mỗi khi trời mưa. Anh Kiên - một người dân trên phố Ngọc Hà cho hay: “Trời mưa đi dưới hệ thống dây dợ này chỉ sợ bị sét đánh hoặc điện giật. Nhưng không đi thì cũng chẳng còn đường nào”. Tương tự, trên phố Quốc Tử Giám, phía trước dãy nhà dân đối diện với cổng Văn Miếu, cột điện phải cõng cả bó cáp bùng nhùng, to hơn thân cây chuối… rất mất mỹ quan. Hình ảnh này không chỉ có tại những tuyến phố nêu trên, mà người đi đường có thể bắt gặp ở hàng chục con phố khác trong thành phố.

Sở TT-TT Hà Nội cho biết, công tác hạ ngầm cáp vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở này sẽ thực hiện, góp phần cải tạo và chỉnh trang đô thị trong những tháng còn lại của năm 2011 nhưng việc thực hiện đem lại hiệu quả đến đâu và sẽ có thêm bao nhiêu tuyến phố được ngầm hóa hệ thống dây cáp vẫn khó dự đoán.

Phối hợp chưa đồng bộ

Câu chuyện những mớ bòng bong dây cáp, dây điện gây mất mỹ quan đô thị, nguy hiểm cho người dân tại Hà Nội đã có từ lâu. Một phần nguyên nhân do lịch sử để lại, nhưng về phía chủ quan có trách nhiệm từ chính các doanh nghiệp tham gia treo cáp trên cột điện. Đã có một thời gian dài, phía điện lực, viễn thông, truyền hình cáp… không thống nhất được mức giá cho “thuê cột điện” để treo cáp. Vậy nên, việc treo cáp trên cột được tiến hành theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu ý thức thực hiện văn minh đô thị. Trong nhiều tình huống, nếu dây cáp, điện võng xuống quá thấp hoặc đứt, ảnh hưởng tới đường truyền, các đơn vị sở hữu mới cử người đến bó buộc tạm thời.

Gần đây, lãnh đạo EVN Hà Nội cho hay, chi phí cho việc đi ngầm đường dây cao gấp 10 lần phí đi nổi. Ví như đối với đường dây 110kV, đi nổi sẽ hết khoảng 6,5 tỷ đồng/km nhưng đi ngầm sẽ tốn khoảng 75 tỷ đồng/km. Phải chăng, đây là một trong những lý do khiến việc ngầm hóa bị “ách tắc”?

Bên cạnh đó, về mặt khách quan, có ý kiến cho rằng việc phối hợp giữa các sở, ngành trong việc thực hiện công tác này chưa đồng bộ. Tại hội nghị triển khai công tác những tháng còn lại của năm 2011 của Sở TT-TT Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Sở này thẳng thắn đánh giá, sự phối hợp của các sở, ban, ngành thành phố và các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp... trong công tác hạ ngầm cáp điện lực và viễn thông thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều dự án chồng chéo, khó khăn cho công tác thi công.

Theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư tiếp tục triển khai hoàn thiện dự án chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ ngầm các đường dây cáp điện lực, viễn thông hiện đang đi nổi trên một số tuyến phố. Hà Nội dự kiến sẽ ngầm hóa và sắp xếp lại hệ thống dây cáp, dây điện ở 15 tuyến phố với kinh phí khoảng 424 tỷ đồng. Qua thực tế, ông Phạm Quốc Bản cho rằng, khi hạ ngầm một đường dây lại liên quan đến rất nhiều sở, ngành như: Sở Xây dựng chủ trì, nhưng Sở Giao thông Vận tải quản lý mặt đường, vỉa hè, Sở TT-TT nắm tiêu chuẩn kỹ thuật khâu ngầm hóa, bó cáp...

Như vậy, để cáp không lòng thòng trên phố thì các doanh nghiệp sở hữu bó cáp và các sở, ngành liên quan cần tìm được tiếng nói chung, sự đồng thuận để đẩy nhanh tiến độ công tác này, xây dựng hình ảnh Thủ đô sạch đẹp, văn minh, an toàn.

(Còn nữa)