Nga tuyên bố đáp trả kế hoạch áp sát biên giới phía đông của NATO

ANTĐ - Ngày 3-12, đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cho biết, nước này đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp nhằm đáp trả việc tăng cường lực lượng của NATO tại đường biên giới phía đông của họ, sát nách Nga.

Phát biểu với các phóng viên, ông Grushko cho rằng: “Các biện pháp đã và đang được thực hiện, và chúng sẽ tiếp tục được thực hiện. Các biện pháp này sẽ được thẩm định rõ ràng và sẽ dựa trên sự phân tích những gì mà NATO đang làm tại khu vực này”.

Đại sứ Grushko còn cho biết thêm rằng, NATO đang sử dụng cuộc khủng hoảng tại Ukraine để “làm hồi sinh liên minh này”. Ông nhấn mạnh rằng “không có lý do thực sự nào” khiến NATO phải triển khai thêm quân và tăng cường số lượng các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực.

“Logic của NATO chủ yếu được sai khiến bởi các lợi ích của chính họ, và không vì lợi ích an ninh quốc gia của các nước thành viên”, ông Grushko nói và cho biết thêm rằng các quan chức NATO tự hiểu được sự nguy hiểm của việc gia tăng hoạt động quân sự của liên minh quân sự này.

NATO đang tăng cường triển khai quân áp sát biên giới Nga

“Tôi cho rằng các đại diện NATO nhận thấy rằng việc tăng cường hoạt động quân sự bằng việc chứng minh sức mạnh của mình thực sự sẽ dẫn đến một nguy cơ lớn dẫn đến xảy ra các sự kiện quân sự”, ông kết luận.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp tại trụ sở NATO hôm 2-12, các ngoại trưởng khối quân sự này cho rằng họ sẽ tiếp tục triển khai các lực lượng quân sự ở khu vực phía đông lãnh thổ của họ, giáp với biên giới Nga.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo NATO cũng quyết định thành lập một lực lượng phản ứng nhanh và sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2016, sau khi các bộ trưởng quốc phòng NATO xác định nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này vào năm 2015.

Trong số các quốc gia được cân nhắc triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở đông Âu thì Estonia, Latvia có chung đường biên giới với Nga và chỉ cách Moscow khoảng 600km. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng NATO sẽ không có bất kỳ vai trò quân sự trực tiếp nào trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cũng như không cung cấp vũ khí hay thiết bị quân sự cho quốc gia này.