Kỳ thú nẻo đường xuân Tây Bắc (5):

Ngả nghiêng sau “đại tiệc” trả ơn rừng thiêng

ANTĐ - Trong 3 ngày Tết, trên ngọn núi thiêng của rừng già, có cuộc “đại tiệc” để tri ân những điều tốt đẹp mà rừng đem lại.

Rừng say tiếng hát...

Đã bao mùa lá trên rừng thay, hoa trên rừng nở và đến bây giờ vẫn như thế, bà con dân bản thường xem trọng lễ tri ân rừng thiêng vào mỗi mùa xuân đến.

Các cô gái Hà Nhì hát đón khách vào ngày tri ân rừng bản Mé Gióng

Các cô gái đồng bào Hà Nhì trong trang phục thổ cẩm sắc mầu như tô thắm sắc thêm cho cánh rừng thiêng sau bản Mé Gióng. Bao giờ cũng vậy, ngày Tết đối với bà con dân bản là ngày tri ân núi rừng. Các cô gái bản đứng ở cửa rừng, cất tiếng ca mời đón các chàng trai, bô lão của bản vào rừng dự hội xuân. Tiếng hát vào mùa xuân thường trong trẻo và thánh thót hơn thì phải. Theo già bản Lý Văn Toán cho biết: “Tiếng hát ngày xuân là tiếng hát ấm no của một mùa no đủ. Lúc này dân bản đã vơi bớt công việc nương rẫy, mệt nhọc đã được gió xuân làm tan đi nên các cô gái không còn gánh nặng công việc nữa”.

“Lễ này phải làm cẩn thận, bản góp rượu thịt, bánh, cơm... mang lên rừng để làm lễ. Lễ làm trong 3 ngày liền. Trước tiên để tri ân trời đất, thiên nhiên, sau đó tri ân từng tán lá, tiếng chim... Đặc biệt trong lễ, quan trọng nhất là tạ tỗi xin thần rừng vì dân bản đã lấy cây làm nhà, làm củi... và đồng thời cũng xin cho rừng vẫn giữ được hào phóng để con cháu có củi đun, có nhà ở và mang lại mùa màng tốt tươi vào mùa năm tới...”- già bản Mé Gióng Lý Văn Toán cho biết.

Già bản Mé Gióng, ông Lý Văn Toán chuẩn bị cho ngày lễ tri ân rừng

Mùa xuân là mùa cây nẩy lộc đâm chồi. Mùa xuân bao giờ cũng đẹp trong mắt các cô gái bản. Bởi ở miền núi cao, thiên nhiên hào phóng nên dường như tiếp sức cho con người lao động vất vả mà chẳng mấy ai nhận ra. Ở miền xuôi, ngày Tết là những cánh hoa đào, hoa mai, hoa tulip... đó là những bông hoa của nhân tạo. Còn ở miền núi, mùa xuân đến là mùa của thiên nhiên khoe sắc. Hoa rừng và tiếng chim là âm thanh tiếng thánh thót gọi xuân mang về bản hòa vào nụ cười và sắc áo những cô gái Hà Nhì. Tiếng hát từ cửa rừng của các cô gái bản, cứ vọng vào đại ngàn như âm thanh gọi muông thú về du xuân cùng làng bản. Gió xuân xào xạc trên tán lá ngả nghiêng, như đáp lại những điệu mời khách của các cô gái bản.

Xuân mang về rừng hay rừng mang xuân đến? Điều này người Hà Nhì không mấy quan tâm, mà họ cũng chẳng cần biết. Chỉ có điều, đối với họ, ngày Tết ngày quan trọng đối với họ bởi đó là ngày đồng bào tri ân những nguồn cuội.

Trong 54 dận tộc anh em trên Tổ quốc Việt Nam thân thương đều có chung một ngày xuân để vui vầy làng bản, gia đình... Song, trong sự yêu thương của mùa xuân ấy, ngoài vui Tết chung thì đồng bào Hà Nhì lại có những chọn ngày này để làm việc trọng đại. Đó là ngày tri ân những điều tốt đẹp mà cuộc sống thường ngày mà rừng đem lại.

Rừng say rượu nồng...

Bà con Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lang, Mường Tà, Lai Châu luôn quan niệm, cây trên rừng, cá dưới khe, chim trên trời không phải tự nhiên có, mà họ cho rằng phải có một vị thần hào phóng đã thương cảm và ban tặng. Vì thế, đối với đồng bào Hà Nhì, mỗi cái cây trên rừng đều giống như con người trong bản. Nếu sống phải nghĩa với nó thì nó sẽ mang lại cho cuộc sống ấm no, còn nếu không tốt thì sự hào phóng của nó sẽ khó khăn theo mỗi mùa.


Dân bản Mé Gióng mang lễ vật lên rừng để làm lễ tri ân rừng

Trong 3 ngày Tết, cửa rừng thánh thót tiếng hát, điệu múa, còn trong rừng, trai bản nhảy múa rồi mời nhau những chén rượu nồng say. Những hạt gạo, hạt muối và những chén rượu được chia sẻ rồi tung lên gió. Nhưng hạt cơm nếp và hoa trái được chia cho rừng để cùng vui xuân, để chim muông thụ hưởng thành quả lao động của con người. Họ quan niệm, cuộc sống no đủ là nhờ thiên nhiên. Và họ làm điều đó là để cầu cho mùa năm sau luôn hơn năm trước.

Cấm không một ai được lấy củi, chặt cây rừng cho dù chỉ phạt một chiếc lá trong 3 ngày Tết. Lễ tri ân diễn ra trang trọng. Ăn uống, vui chơi, múa hát trong rừng nhưng cấm ai làm điều gì tổn hại đến rừng. Bởi đó là “hương ước” ngàn đời qua của dân bản. Tiếng chuốc rượu rừng xanh cứ hòa vào gió rừng thông qua lời hát của trai bản. “Tiếng hang trong ngày này là những lời cảm tạ rừng. Vì vậy, mỗi gốc đây dân bản đều đặt một ống rượu để cây rừng cùng say...”- già bản Lý Văn Toán đưa ống rượu lên rồi nói.

Lễ tri ân rừng xanh vào ngày Tết đối với người dân bản Hà Nhì bao đời qua như một lẽ sống. Đây là tục được họ nhớ ơn cội nguồn như ngàn đời qua người dân miền rẻo cao, đặc biệt là đồng bào Hà Nhì ở miền biên viễn in trong tâm thức. Bởi đối với họ, rừng như một “dòng sữa mẹ” của muôn đời nuôi sống dân bản. Rừng đã mang lại hoa trái cho con người và đặc biệt rừng là nguồn mạch cho vạn vật sinh trưởng trong bốn mùa tươi tốt.

Các ống rượu này sau khi làm lễ xong sẽ được mang đặt tại các gốc cây lớn

Vào mùa xuân này, vẫn tục của xa xưa mà bà con Hà Nhì gìn giữ. Khi cánh rừng đã rộn tiếng chim hót, hoa rừng đua nhau bung nở thì đồng bào Hà Nhì lại sum họp trên đại ngàn để đón mùa xuân mới. Lễ tri ân rừng của bà con Hà Nhì được làm trang trọng trong rừng sâu, hay cánh rừng già ngay sau bản đều có thể được. Nhưng trong tâm thức của đồng bào Hà Nhì, ngọn núi  cao nhất mà đứng từ trung tâm bản nhìn thấy thường được bà con chọn để làm lễ này. Đó là cánh rừng sau bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

(Còn nữa...)