Nga nâng tầm sức mạnh của “quái vật săn ngầm” IL-38

ANTĐ - Thời gian vừa qua, để nâng cao khả năng tác chiến chống lại các tàu ngầm chế tạo theo công nghệ mới, có khả năng “tàng hình” rất cao, một số quốc gia như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc… liên tiếp chế tạo mới hoặc nâng cấp mạnh các máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định của mình. Mới đây nhất, Nga cũng đã nâng cấp mạnh khả năng tác chiến chống ngầm của “quái vật săn ngầm” IL-38.

Chuyên trang chiến lược “Strategypage” của Mỹ ngày 13- 6 cho biết, để nâng cao khả năng tác chiến chống lại các tàu ngầm chế tạo theo công nghệ mới, có khả năng tàng hình rất cao, sau khi tiếp nhận chiếc đầu tiên trong phiên bản nâng cấp kiểu mới nhất là IL-38N được gần 1 năm, Bộ quốc phòng Nga đã chính thức triển khai nâng cấp hàng loạt các máy bay trinh sát chống ngầm IL-38 lên chuẩn IL-38N.

Hiện nay, điểm khó khăn nhất trong chương trình nâng cấp của người Nga là thiếu tiền và công nghệ hiện đại theo chuẩn phương Tây nhưng trước đà phát triển nhanh chóng của các loại máy bay chống ngầm tiên tiến, trong khi chờ đợi thiết kế và chế tạo một loại máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định hoàn toàn mới, Nga phải nâng cấp IL-38 để bắt kịp các nước phương Tây.

Theo Strategypage, kế hoạch nâng cấp thế hệ máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định tầm xa IL-38 đã sớm được Liên Xô đưa ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng do chiến tranh lạnh kết thúc và thiếu kinh phí nên dự án này đã bị “đóng băng” trong đã vài chục năm. Đến đầu thế kỷ 21, theo đà phục hồi kinh tế, Nga tiếp tục tái triển khai kế hoạch này.

Máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định IL-38 “May” của Nga

IL-38 “May” có chiều dài 39,6m, sải cánh 37,42m, cao 10,16m, trọng lượng cất cánh tối đa 63 tấn, trang bị 4 động cơ cánh quạt, có thể mang theo 9 tấn vũ khí, tốc độ cao nhất 645 km/h, độ cao tối đa 11km, phi hành đoàn 10 người. Nó có khả năng mang theo 30.000 Lit nhiên liệu đảm báo cho máy bay có thời gian lưu không liên tục là 10h, hành trình tối đa 7200km, bán kính tác chiến 3200km.

IL-38 có khả năng giám sát tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay trong phạm vi 150km, hệ thống thiết bị chính bao gồm radar khẩu độ tổng hợp loại bình thường và loại điều khiển xa (dùng trong điều kiện ban đêm hoặc có mây mù). Ngoài ra, nó còn có radar hồng ngoại có độ phân giải cao; hệ thống máy ảnh, camera hiện đại, hệ thống hỗ trợ điện tử, thiết bị thăm dò từ tính bất thường.

Về vũ khí trang bị, với 2 khoang vũ khí ở bụng máy bay (trước và sau cánh), IL-38 có thể mang theo 9 tấn vũ khí trên khoang và hệ thống giá treo, bao gồm: tên lửa chống hạm, ngư lôi, bom thông thường, bom khoan tầng nước sâu (có thể mang đầu đạn hạt nhân làm nghèo, cỡ nhỏ) và mồi bẫy điện tử. Có thông tin cho biết, sau cải tiến, IL-38N còn được trang bị tên lửa không đối không tầm gần điều khiển bằng hồng ngoại R-73 làm cho nó có tính năng đối hải, đối ngầm, đối không và tấn công mặt đất cực kỳ toàn diện.

Phiên bản xuất khẩu IL-38 SD trong lực lượng hải quân Ấn Độ

IL-38 có thể mang theo 216 phao sonar RGB-1 hoặc 144 phao sonar RGB-1 và 10 phao sonar RGB-2 trong nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, các tham số và tính năng của IL-38 “May” và phiên bản xuất khẩu IL-38 SD đều tương đương với máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định P-3 “Orion” hiện Mỹ và một số đồng minh vẫn đang sử dụng.

Theo bài viết, mặc dù được xếp hạng tương đương với P-3 nhưng một số hệ thống cảm biến và thiết bị thông tin của IL-38 đều đã lão hóa. Sau nâng cấp, phiên bản mới nhất là IL-38N sẽ có tính năng cực mạnh với khả năng giám sát đồng loạt 30 mục tiêu tàu thuyền trong phạm vi 320km. Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống cảm biến nhiệt thế hệ mới nhất và hệ thống máy tính cực mạnh, nâng cao rất nhiều khả năng trinh sát tàu ngầm.