Nga - phương Tây trả đũa: Nguy cơ cuộc chiến thương mại cam go

ANTĐ - Cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây đang bước vào một giai đoạn mới, khi Mỹ và Liên minh châu Âu vừa mới công bố các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhằm vào nền kinh tế Nga. Trong khi đó, giới chức Nga tự tin cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới Nga, Moscow hoàn toàn có khả năng đối phó với những biện pháp này và cảnh báo phương Tây “tự bắn vào chân mình”.

Lĩnh vực đóng tàu nhiều tiềm năng của Nga cũng bắt đầu bị Mỹ trừng phạt

Cú đánh mạnh vào nền kinh tế

Ngày 28-7, cùng với Mỹ, các nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt mới lần này nhắm vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga: năng lượng, vũ khí và tài chính. 

Mỹ và EU bày tỏ hy vọng, các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng lần này sẽ buộc Moscow đảo ngược cách tiếp cận tại Ukraine. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần gọi đây chỉ là “ngôn ngữ của biện pháp trừng phạt” và chắc chắn sẽ phản tác dụng. Giới chức Nga tự tin cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới Nga và  Moscow hoàn toàn có khả năng đối phó với những biện pháp này. 

Trả đũa

Hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, với mối quan hệ hợp tác kinh tế quan trọng giữa Nga và Liên minh châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, thì các nước châu Âu cũng phải thừa nhận những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế của khối.

Mỹ là nước kêu gọi trừng phạt Nga, nhưng các hãng của Mỹ cũng đang là trở ngại cho chính quyền mạnh tay, bởi Boeing cũng đang nhập khẩu hơn một phần ba titan từ Nga và nếu bị trả đũa, thiệt hại sẽ hàng chục tỷ USD trong tương lai. Unilever cho biết trừng phạt Nga sẽ có ảnh hưởng đến hãng. Tuần trước, McDonald’s đã bị Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng của Nga cho là: “thông số hóa học, vật lý không phù hợp”.

Các báo cáo của Nga ngày 29-7 cho biết, Nga có thể sớm áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một số loại trái cây từ EU và thịt gà từ Mỹ. Hãng Bloomberg đưa tin, cơ quan an toàn thực phẩm của Nga cho biết sẽ điều tra về vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm pho-mát của chuỗi nhà hàng McDonald’s của Mỹ và có thể khởi kiện Tập đoàn này vì vi phạm các quy định về chất lượng. Trước đó, cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thành lập các ban hội thẩm, chính thức bắt đầu quá trình giải quyết những khiếu nại của Nga và EU xung quanh việc Nga áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ EU và liên minh này đánh thuế đối với các công ty năng lượng, phân bón của Nga. Lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ EU được Nga, thị trường tiêu thụ 1/4 sản lượng xuất khẩu thịt lợn của EU, áp dụng kể từ tháng 1-2014 đã khiến ngành xuất khẩu thịt lợn của khối này thiệt hại tới 4 triệu Euro mỗi ngày. 

Đáng chú ý, ngày 29-7, trong cuộc họp về cách thức đối phó với lệnh trừng phạt, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, ngành công nghiệp vũ khí Nga “chắc chắn” đủ sức cung ứng mọi nhu cầu của đất nước. Hãng Interfax dẫn lời ông chủ Điện Kremlin hối thúc ngành công nghiệp quốc phòng nhanh chóng ngừng nhập khẩu và tập trung “đẩy nhanh các nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu trong ngành công nghiệp quốc phòng. Moscow cũng sẽ chuyển hướng nhiều nhất có thể sang các nguyên liệu và linh kiện sản xuất nội địa cho trang thiết bị và vũ khí.

Sự thực thì EU đang phụ thuộc vào khí gas tự nhiên của Nga. Trong 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, có tới 18 nước phụ thuộc vào khí gas tự nhiên của Nga với mức phụ thuộc trung bình lên tới 23%. Đức, nước có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong Liên minh châu Âu cũng nhập khẩu tới 36.5% lượng khí gas tự nhiên từ Nga. 

Chính vì thế, rất nhiều nước châu Âu đang phải đau đầu khi chọn công ty, hãng và ngành để trừng phạt Nga mà không ảnh hưởng đến mình. Đức có lẽ là quốc gia phản đối trừng phạt Nga sớm nhất bởi khảo sát của báo Đức Handelsblatt  cho thấy 2/3 dân Đức phản đối lệnh trừng phạt Nga vì lý do Nga cung cấp cho Đức khí đốt và dầu mỏ lớn. 

Giám đốc điều hành Hiệp hội sản xuất máy móc Đức Hannes Hesse cho biết: “Những doanh nghiệp sản xuất máy móc Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nga là nước xuất khẩu lớn thứ 4 của Đức. Tính đến thời điểm hiện nay chúng tôi đã thiệt hại khoảng 20%  so với năm ngoái và tôi dự kiến thiệt hại sẽ còn tăng trong thời gian tới”.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu vẫn đang dính chặt vào Nga. Trước khi căng thẳng nổ ra, quan hệ thương mại song phương giữa Nga và các nước thuộc Liên minh châu Âu vẫn rất tốt đẹp. 

Đáp lại lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU, Moscow mở rộng lệnh cấm nhập khẩu trái cây và rau quả chế biến từ Ukraine, và cảnh báo về các bước tương tự như đối với EU, sau lệnh cấm được áp dụng với toàn bộ sản phẩm sữa nhập khẩu của Kiev. 

Quan hệ song phương ngày càng tồi tệ

Theo tờ Ria Novosti, một nhóm gồm hàng chục nhà báo từ các đài Nhà nước và các tờ báo lớn của Nga đã đồng loạt ký vào thư đề nghị Chủ tịch Duma Quốc gia Nga là Sergei Naryshkin và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko trao tặng danh hiệu cao quý nhất “Anh hùng nước Nga” cho Tổng thống V.Putin.

Lý do mà nhóm nhà báo này đưa ra trong lá thư đề nghị đó là “không ai xứng đáng với danh hiệu ấy vào thởi điểm này hơn Tổng thống Putin” và công lao khiến ông Putin xứng đáng với danh hiệu anh hùng là “bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ Nga, bảo vệ lợi ích của dân tộc khi sáp nhập thành công bán đảo Crimea (vốn thuộc chủ quyền của Ukraine) trở thành một phần của lãnh thổ Nga”.

Theo tìm hiểu của New York Times, trên 80% dân Nga vẫn ủng hộ Putin và dư luận Nga gần như không lo lắng gì về các tác động của phương Tây.

Rõ ràng là, những đòn trừng phạt lẫn nhau giữa phương Tây và Nga không chỉ đẩy quan hệ song phương thêm tồi tệ và mà còn đẩy các bên vào một cuộc chiến thương mại cam go. Những lợi ích sát sườn khiến cả hai bên đều phải cân nhắc những bước đi thận trọng. 

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov phát biểu tại cuộc họp Chính phủ ở khu nhà Novo-Ogaryovo ngoại ô Moscow nagỳ 30-7 tuyên bố: Các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây chỉ khiến Nga càng độc lập hơn về kinh tế. Tuyên bố cũng mô tả những hình phạt mới của Mỹ là “mang tính hủy diệt và thiển cận” và động thái này chỉ càng làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Moscow - Washington vốn đã ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.