Nga - Mỹ có nguy cơ quay lại thời kỳ đối đầu hạt nhân

ANTĐ - Sự rạn nứt giữa Moscow và Washington đang ngày càng lớn khi Nga đang có kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân và tên lửa hành trình mới. Điều này có thể chấm dứt một kỷ nguyên kiểm soát vũ khí và mở ra một sự cạnh tranh nguy hiểm giữa hai kho vũ khí hạt nhân thống trị thế giới?

Căng thẳng đã được đưa đến một cấp độ mới bằng động thái Mỹ đe dọa sẽ trả đũa việc Nga phát triển tên lửa hành trình mới. Washington cáo buộc Moscow đã vi phạm một trong các điều ước kiểm soát vũ khí quan trọng trong Chiến tranh Lạnh, và nuôi tham vọng tái triển khai tên lửa hành trình riêng của mình ở Châu Âu sang 23 năm vắng bóng.

                           Khinh khí cầu JLENS được Mỹ triển khai tại bang Maryland

Ngày Boxing Day năm 2014 được coi là một trong những ngày thể hiện rõ ràng sự bất an của quân đội Mỹ. Washington lần đầu tiên triển khai hệ thống khí cầu phòng thủ tên lửa (JLENS) trị giá 2,8 tỷ USD để phát hiện tên lửa hành trình.  Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) đã không xác định bản chất của các mối đe dọa nhưng việc triển khai hệ thống JLENS chỉ diễn ra sau 9 tháng khi chỉ huy NORAD, tướng Charles Jacoby thừa nhận Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với thách thức đáng kể trong việc chống lại các tên lửa hành trình, trong đó đề cập cụ thể đến mối đe dọa từ tàu ngầm của Nga.

    Một tàu ngầm của Nga tại căn cứ hải quân Murmansk

Những chiếc tàu ngầm gây ảnh hưởng đột phá trên Đại Tây Dương, thường mang tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, theo những tuyên bố tích cực của Moscow, những tên lửa đang được triển khai không chắc chắn mang đầu đạn hạt nhân.

Sự căng thẳng đã gia tăng vào thời điểm khi các nỗ lực kiểm soát vũ khí của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đang mất đà. Số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược được Nga – Mỹ triển khai đang thực sự tăng lên trong năm 2014, khi cả 2 nước chi nhiều tỷ USD để hiện đại hóa kho vũ khí của mình.

                       Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava của Nga

Giữa bối cảnh cuộc xung đột Ukraine và nền kinh tế giảm sút, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi việc tăng cường vũ khí hạt nhân như  một “người bảo lãnh” quan trọng cho Nga. Trong bài phát biểu về vấn đề Ukraine vào mùa hè năm ngoái, ông Putin nhấn mạnh về kho vũ khí hạt nhân của đất nước và tuyên bố rằng “các quốc gia khác nên hiểu rõ về nó để tránh gây rối với Nga”.

Báo chí Nga đã đăng tải nhiều bài viết về vấn đề này. Tờ Pravda, cơ quan ngôn luận của Liên Xô cũ có bài bình luận trong tháng 11-2014 với tiêu đề “Nga đang chuẩn bị một kế hoạch hạt nhân bất ngờ cho NATO”, nhằm ca ngợi tính ưu việt về vũ khí hạt nhân của Nga đối với phương Tây. "Người Mỹ cũng nhận thức được điều này. Nhưng bây giờ là quá muộn bởi trước đó họ đã bị thuyết phục Nga sẽ không bao giờ trở lại", trích dẫn bài viết cho biết.

Giọng điệu mạnh mẽ trên báo chí Nga đã phản ánh một quyết tâm đổi mới để bắt kịp với các kho vũ khí của Mỹ. Điều này liên quan đến sự gia tăng đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân được nạp vào tàu ngầm, cũng như sự phát triển của tên lửa đạn đạo Bulava được phóng từ tàu ngầm trên biển Barents vào tháng 11-2014.

                                                        Xe bệ phóng tên lửa Club-K

Tháng trước Nga tuyên bố sẽ tái triển khai tàu hỏa chở tên lửa hạt nhân RS-24 Yars hoạt động trở lại nhằm đối phó với Mỹ.  Ngoài ra, Nga còn làm phương Tây “thấp thỏm” vì việc phát triển thêm “sát thủ giấu mặt” Club-K tìm diệt tàu sân bay.

Tuy nhiên, sự phát triển đó đã cảnh báo Washington, nhất là thử nghiệm tên lửa hành trình tầm trung mà chính quyền Obama tuyên bố là một sự vi phạm rõ ràng hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung (INF) năm 1987.

Tại một buổi điều trần của Quốc hội Mỹ hôm 10-12, đảng Cộng hòa đã chỉ trích 2 thành viên trong phái đoàn kiểm soát vũ khí hàng đầu của chính quyền là bà Rose Gottemoeller, Bộ Ngoại giao Mỹ và ông Brian McKeon của Lầu Năm Góc,vì không phản hồi sớm các vi phạm của Nga.

Cả bà Gottemoeller và ông McKeon đều nói rằng họ nhận thấy sự phát triển vũ khí hạt nhân vượt mức của Nga và bày tỏ quan ngại với đối tác ở Moscow, thậm chí Tổng thống Obama cũng viết thư cho ông Putin về vấn đề này. Nhưng Nga đã phủ nhận sự tồn tại của tên lửa và đã phản ứng rằng chính Mỹ mới là quốc gia xâm phạm hiệp ước INF.

Quân đội Mỹ cũng hoang mang trước sự trỗi dậy các hạm đội tàu ngầm của Nga. Moscow đang xây dựng thế hệ mới của tàu ngầm tên lửa đạn đạo khổng lồ và tàu ngầm tấn công bằng hoặc vượt trội hơn so với đối tác Mỹ trong hoạt động và tàng hình. Từ vị trí thấp trong năm 2002, khi lực lượng hải quân Nga dường như không có tàu tuần tra dưới nước, bây giờ nước này đang phục hồi và tái khẳng định tầm vóc với toàn cầu.

Năm ngoái,  tướng Jacoby, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Mỹ (NORAD) lúc đó đã thừa nhận Mỹ phải đối mặt với việc Nga phát triển đầu tư công nghệ tên lửa hành trình và tàu ngầm tiên tiến.

Ông Peter Roberts, một tướng lĩnh nghỉ hưu của Hải quân Hoàng gia Anh đã từng là sĩ quan chỉ huy cao cấp và sĩ quan liên lạc của Anh với các lực lượng hải quân và dịch vụ tình báo Mỹ, cho biết việc những tàu ngầm tấn công lớp Akula-class của Nga “gây hấn” đã trở thành sự kiện thường xuyên, diễn ra ít nhất một đến 2 lần một năm.

"Người Nga thường đưa ra một chiếc Akula hay Akula II vào dịp Giáng sinh. Nó thường khởi hành từ Scotland, qua vịnh Biscay và ra Đại Tây Dương. Khả năng nó sẽ mang tên lửa hạt nhân”, ông Roberts nói.

                              Tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula của Hải quân Nga

Ông Roberts, hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Royal United Services Institute London (Anh), nói rằng sự xuất hiện của một kính tiềm vọng ngoài khơi bờ biển phía tây Scotland khiến NATO cử tàu ngầm săn tìm là một dấu hiệu mới nhất trong sự đột phá chiến lược hạt nhân của Nga.

Akula đang được thay thế bằng tàu ngầm lớp Yasen. Cả hai đều được thiết kế để theo dõi và tìm diệt các tàu ngầm và tàu sân bay đối phương. Cả hai cũng được trang bị tên lửa hành trình Granat, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

                                                    Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen

Mỹ và Nga đã ngừng sử dụng tên lửa hành trình cho tàu ngầm sau Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (Start) năm 1991, nhưng hiệp ước này đã hết hạn vào cuối năm 2009. Một năm sau đó, Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Nga  Dmitry Medvedev đã ký kết một hiệp ước mới (New Start) nhưng không bao gồm bất kỳ hạn chế như vậy, thậm chí cũng không cho phép tiếp tục trao đổi thông tin về số lượng tên lửa hành trình.

Cả Mỹ và Nga đang ra sức hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Moscow đang ngày càng thể hiện sự răn đe các nước khác bằng chiến lược hạt nhân của riêng mình. Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với một thời kỳ "làm sâu sắc thêm sự cạnh tranh quân sự giữa hai cường quốc hạt nhân trên thế giới".

“Nó sẽ mang lại ít sự an toàn, thay vào đó là sự lo lắng nhiều hơn cho cả hai bên”, ông nói thêm.