New Zealand tuyên chiến với bạo lực gia đình

ANTD.VN - Một báo cáo mới được giới chức New Zealand công bố cho hay, mỗi năm có 525.000 người dân nước này là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chính phủ nước này cũng đang thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm xóa bỏ  “tiếng tăm” là quốc gia có số vụ bạo lực gia đình nhiều nhất trên thế giới. 

Virginia Ford (20 tuổi) là nạn nhân của bạo lực khi bị bạn trai đánh đến chết

80% số vụ bạo lực gia đình bị “chìm”

Theo các quan chức Chính phủ New Zealand, có đến 80% số vụ bạo lực gia đình không được báo cáo. “Chính vì vậy, những gì mà chúng ta biết về bạo lực gia đình mới chỉ là “đỉnh của tảng băng trôi”, một vị quan chức New Zealand chia sẻ với báo giới.

Tính trung bình, mỗi ngày cảnh sát nhận được 279 cuộc gọi báo cáo về nạn bạo lực gia đình. Năm ngoái, cảnh sát ghi nhận khoảng 105.000 vụ bạo lực gia đình. Nếu tất cả các vụ việc về bạo lực gia đình được báo cáo đầy đủ thì con số này có thể lên tới 525.000 vụ/năm. 

Tờ Guardian (Anh) đưa ra ví dụ so sánh rất sinh động. Thành phố Tauranga, New Zealand hiện có 115.000 người sinh sống, gần khớp với số vụ bạo lực gia đình xảy ra tại nước này trong năm ngoái. “Hãy tưởng tượng, tất cả người dân nơi đây đều là nạn nhân của bạo lực gia đình. Hãy tưởng tượng, tất cả đều bị một thành viên nào đó trong gia đình lạm dụng thể chất, tình dục, tinh thần... Hãy tưởng tượng, cứ 5 phút, cảnh sát nhận được một cuộc gọi vì có người bị đánh đập, hành hạ, bị bắt nạt, tra tấn, bị lạm dụng…”, tờ Guardian viết.

Trẻ em có mặt trong 80% số vụ bạo lực trong gia đình. Trung bình mỗi năm, 13 phụ nữ và 10 đàn ông bị giết hại vì bạo lực gia đình. Cứ 3 phụ nữ thì 1 người bị bạo lực thể chất hoặc tình dục trong cuộc đời của mình. Bạo lực gia đình đã “ngốn” khoản chi phí lên đến 7 tỷ USD/năm. 

Kiên quyết cấm hôn nhân cưỡng ép

Trước tình trạng này, Chính phủ New Zealand cho biết sẽ áp dụng hình phạt cứng rắn hơn đối với nạn bạo lực gia đình. Mới đây, Thủ tướng John Key đã công bố 50 điểm thay đổi, quy định thêm 3 hành vi mới bị xử phạt trong Đạo luật chống bạo lực gia đình, trong đó, đáng chú ý là quy định cấm hôn nhân cưỡng ép.

"Quan điểm chung là chính quyền New Zealand không can thiệp vào cuộc sống riêng tư của mỗi người nhưng pháp luật sẽ bảo vệ bất kỳ người dân nào bị tấn công, đe dọa, trấn áp… Nếu các nạn nhân không thể ngăn chặn hành vi bạo lực thì chúng tôi đảm bảo rằng, pháp luật và các cơ quan công quyền sẽ làm việc đó”, một quan chức của Chính phủ cho hay.

Jane Drumm, Giám đốc của Tổ chức từ thiện Shine nhận định, những quy định mới trong Đạo luật chống bạo lực gia đình là "rất phù hợp và kịp thời” để ngăn chặn nạn bạo lực gia đình đang đe dọa các gia đình ở New Zealand.

“Tôi thấy rằng, trong một thời gian dài, New Zealand đã không quyết liệt với nạn bạo lực gia đình. Đây là điều rất đáng xấu hổ. Không thể tưởng tượng được rằng, đằng sau đất nước xinh đẹp New Zealand lại có những câu chuyện đau lòng như thế. Suốt 33 năm công tác, tôi chưa bao giờ được chứng kiến sự quyết liệt của Chính phủ như vậy. Bạo lực gia đình sẽ không được dung thứ. Bạn không đơn độc trong cuộc chiến này. Chính phủ sẽ hỗ trợ bạn, chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn cho bạn", ông Jane Drumm nói.

Farida Sultana, Giám đốc Tổ chức nhân đạo Shakti New Zealand cho biết, trong suốt 6 năm qua, tổ chức của bà đã có nhiều hoạt động vận động Chính phủ ban hành lệnh cấm hôn nhân ép buộc. Bà cho biết, nạn nhân trẻ tuổi nhất của hôn nhân cưỡng ép ở New Zealand mới 13 tuổi.

“Ước tính, chúng tôi đã cứu được hơn 300 cô gái bị đẩy vào những cuộc hôn nhân ép buộc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những vụ việc mà chúng tôi biết và có thể can thiệp. Trên thực tế, số vụ hôn nhân cưỡng ép có thể còn cao hơn nhiều lần. Chúng tôi thực sự hài lòng về hành động kiên quyết của Chính phủ. Quy định mới sẽ là “cây gậy” để chúng tôi thuận lợi hơn trong công tác”, bà Farida Sultana nói.