Nếu Mỹ - Hàn chấp nhận mất mát, chiến tranh Triều Tiên sẽ bùng nổ

ANTĐ - Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang dần leo thang đến bờ vực chiến tranh, nhưng thực chất cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều không muốn chiến tranh, vì nếu nó xảy ra thì cả 2 bên đều là kẻ thất bại.
Triều Tiên và “củ khoai lang nóng” chiến tranh

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay thật giống như câu nói: “Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”, cả Mỹ - Hàn - Triều đều có trách nhiệm rất lớn trong cục diện căng thẳng hiện nay, những chính sách chủ yếu mà các bên áp dụng đều đã thất bại thảm hại.

Về phần Mỹ, họ không muốn Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên đều đã có rồi, Hàn Quốc thì không muốn an ninh của mình bị đe dọa nhưng hiện nguy cơ chiến tranh đang ngày càng lớn, Triều Tiên tuy thử thành công vũ khí hạt nhân, nhưng quốc gia vẫn nghèo đói và gặp nhiều khó khăn do bị cô lập.

Trở lại sự việc, đây không phải là lần đầu Mỹ và Hàn Quốc tổ chức diễn tập quân sự liên hợp, mà nó cũng không phải là một cuộc diễn tập lớn nhất trong năm nay, tuy nhiên Bình Nhưỡng đột nhiên nâng mức độ đối đầu giữa hai bên khi lớn tiếng đòi xóa bỏ thỏa thuận đình chiến, khiến Mỹ - Hàn cũng phải “cương” lên vì không muốn bị mang tiếng là lép vế.

Dàn tên lửa Scud-D của Triều Tiên

Tiếp theo, mức độ căng thẳng cứ ngày càng bị đẩy lên, hai bên không bên nào chịu bên nào, Mỹ thì liên tiếp điều động B-52, B-2, F-22 đến Hàn Quốc, Triều Tiên thì lớn tiếng dọa phủ đầu hạt nhân và đặt các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam và Nhật Bản vào trong tầm ngắm tên lửa, hoặc tuyên bố tình trạng chiến tranh và tái khởi động lò phản ứng hạt nhân.

Người Triều Tiên cũng hiểu rằng, xét về tổng thể, quân lực của Triều Tiên vẫn không sánh được với Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu thực sự nổ ra chiến tranh, chỉ dùng ý chí không thể đánh bại được vũ khí hiện đại của liên quân Mỹ - Hàn, lực lượng quân sự thông thường của Triều Tiên có thể thiệt hại rất lớn. Vậy nên, về phía Triều Tiên, có thể khẳng định họ cũng không hề muốn xảy ra chiến tranh.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên

Mỹ không sợ Triều Tiên nhưng lo lắng cho đồng minh

Về phía Mỹ, tiếp theo sự thành công trong chiến lược mở rộng về phía đông của NATO và sự ổn định ở khu vực Bancăng, cơ bản là hình thái an ninh ở khu vực châu Âu đã nằm trong tay Mỹ. Điều này làm cho Mỹ điều chỉnh trọng tâm chiến lược xưng bá toàn cầu từ khu vực châu Âu, hướng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đây chủ yếu cũng là để hoàn tất tham vọng trở thành siêu cường độc tôn trên thế giới của Mỹ, mà chỉ giữ địa vị chủ đạo trong hình thái an ninh châu Âu thì chắc chắn không thể thực hiện được. Tuy Mỹ luôn xem Triều Tiên là cái gai trong mắt nhưng Mỹ vẫn hy vọng giải quyết được ổn thỏa tình hình Triều Tiên mà không phải phát động chiến tranh. Nguyên nhân chủ yếu như sau:

Một là: Trọng điểm trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ là ngăn cản sự xuất hiện và lớn mạnh của một quốc gia trong khu vực có thể đe dọa vị trí bá chủ của Mỹ, mà tiềm lực của Triều Tiên thì Mỹ xem là không đáng kể trong con mắt của mình.

Máy bay chiến đấu F-22 của không quân Mỹ

Mặc dù Triều Tiên đã chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa và thử thành công vũ khí hạt nhân nhưng tiềm lực của Triều Tiên vẫn quá nhỏ bé so với Mỹ. Đối phó với Trung Quốc và Ấn Độ; khống chế được Nhật Bản và Hàn Quốc mới là vấn đề cốt lõi trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Hai là: Khi chiến tranh Triều Tiên xảy ra, các quốc gia xung quanh bán đảo Triều Tiên thừa cơ tăng cường quân lực, uy hiếp đến địa vị của Mỹ, đây là điều mà Mỹ không hề muốn chút nào. Đồng thời, một khi chiến tranh Triều Tiên bùng phát, kẻ gặp họa chính là 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản của Mỹ. 

Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia có nền công nghiệp phát triển, các cơ sở công nghiệp và nhân lực kỹ thuật cao của họ đều đặt ở các vị trí rất tập trung, chỉ cần Triều Tiên sử dụng các loại tên lửa hành trình tầm trung của họ là có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đây là kết cục mà cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều hết sức lo ngại.

Hiện nay, Triều Tiên đã đặt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam và Nhật bản trong tầm ngắm tên lửa đạn đạo, nếu Triều Tiên ra tay trước thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng và nếu đòn tấn công phủ đầu của Mỹ không tiêu diệt được hết thực lực tên lửa của Triều Tiên thì Mỹ và đồng minh cũng sẽ gặp họa.

Cho nên, Mỹ không chỉ lo lắng cho lợi ích bản thân mình mà còn ra sức ngăn cản các đồng minh của họ, đây đều là những nguyên nhân xuất phát từ Mỹ và đồng minh làm cho bán đảo Triều Tiên khó có thể xảy ra chiến tranh.

Nếu Mỹ - Hàn chấp nhận mất mát, chiến tranh sẽ nổ ra

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có vẻ đã lên đến đỉnh điểm, cả 2 bên đều như cây cung đã giương hết tầm nhưng chưa “cung thủ” nào dám "động thủ". Cả Triều Tiên và Mỹ - Hàn đều không thực sự muốn chiến tranh, nhưng không bên nào chịu nhún nhường, xuống thang trước.

Dự kiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ nguội dần sau khi cuộc diễn tập cuối cùng của Mỹ - Hàn kết thúc trong tháng 4. Mới đây nhất, Mỹ đã tạm hoãn phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-30 Minuteman, vì lo lắng có thể làm Triều Tiên nổi cơn giận dữ, có vẻ nút thắt chiến tranh đang dần được tháo gỡ.

Nếu Mỹ - Hàn chấp nhận mất mát, chiến tranh Triều Tiên mới nổ ra

Thế nhưng, ngòi nổ chiến tranh không hẳn đã được tháo gỡ, hiện cả 2 bên đang ở thế cưỡi hổ, Mỹ đã nhường nhịn xuống thang thì Triều Tiên cũng phải kìm chế những hành động phiêu lưu của mình. Mỹ nhường nhịn không phải vì họ sợ Triều Tiên mà vì không muốn xảy ra chiến tranh, đôi bên cùng thiệt hại.

Người Mỹ không muốn Hàn Quốc và Nhật Bản bị tổn hại, bởi vì trong chiến tranh hiện đại, chỉ vài phút là đã gây thiệt hại rất lớn. Nhưng nếu Mỹ "nổi giận" vì mất mặt với đồng minh thì rất có thể họ sẽ chấp nhận mất mát nhỏ để "diệt trừ hậu họa". Khi đó, chiến tranh Triều Tiên sẽ bùng phát và hậu quả thật khôn lường.