Nên nuôi dưỡng nguồn thu

ANTĐ - Đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với mục tiêu GDP tăng 5,5%, lạm phát khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Vấn đề tăng lương, việc chi cho chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn thu ngân sách 2013 là mối lo lắng bao trùm không khí thảo luận trên nghị trường cũng như ở tổ.

Bàn về dự toán thu ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013, Bộ trưởng Tài chính cho biết, dự toán thu và mức tăng thu sẽ rất khó khăn do mức tăng trưởng dự báo chỉ là 5,5%. Hiện tất cả các khoản dự toán thu nội địa, xuất nhập khẩu, dầu thô, sử dụng đất năm 2013 đã ở mức rất cao, có độ rủi ro lớn nên các ủy ban của Quốc hội đã thống nhất không nên tăng thêm các khoản dự toán thu. Như vậy, để có nguồn tăng lương, tăng đầu tư, bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách và triệt để tiết kiệm các khoản chi tiêu. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định giảm mức đầu tư công khoảng 10.000 tỷ đồng, xuống còn 170.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải đảm bảo bội chi ngân sách.

Theo dự kiến, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương cũng sẽ giảm 1.600 tỷ đồng, giảm bội chi hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ kéo xuống còn 73.200 tỷ đồng. Ông Bộ trưởng thông báo, năm 2013 Chính phủ đề xuất chi 180.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó 39.000 tỷ đồng là tiền thu từ bán đất, sử dụng đất. Trong bối cảnh bất động sản đóng băng, kinh tế chưa thực sự khởi sắc, nếu các địa phương không thu được thì con số thực tế chỉ có thể đạt 140.000 - 141.000 tỷ đồng. Như thế, số tiền 39.000 tỷ đồng là khó thu được. Chia sẻ với Chính phủ, một số đại biểu nhấn mạnh, trong lúc khó khăn cần tăng chi để có thu như chi tăng lương theo lộ trình, đầu tư cho giao thông, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình.

Riêng phí sử dụng đường bộ dự định thu từ đầu năm 2013 cần phải tính toán đảm bảo an dân. Nếu thu mà người dân không được sử dụng dịch vụ như mong muốn thì không nên. Một đại biểu kiến nghị cần thống kê chính xác các khoản thu liên quan đến giao thông để xem người tham gia, người kinh doanh vận tải đang gánh chịu bao nhiêu loại phí và việc thu tiếp các loại phí có gây hậu quả gì hay không. Tránh các khoản thu gây “sốc” cho đời sống nhân dân và doanh nghiệp kinh doanh. Đặc biệt phải nuôi dưỡng nguồn thu, tránh làm kiệt nguồn thu. Một chuyên gia kinh tế chỉ ra một quy luật, cần phải làm cho “chiếc bánh” GDP to ra. Nếu GDP là hiệu quả của nền kinh tế thì tỷ lệ thu ngân sách/GDP là hiệu quả của hiệu quả. Để GDP to ra, phải tăng chế biến nông, lâm, thủy sản đồng thời giảm gia công công nghiệp. Giảm chi phí trung gian để tăng giá trị gia tăng. Khi quy mô GDP lớn hơn, “chiếc bánh” to ra, việc chia bánh sẽ dễ hơn, thuận hơn.

Suy cho cùng, trong hoàn cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, cần phải khoan thư sức dân, tăng chi để có nguồn thu, nhất là nuôi dưỡng nguồn thu. Có thể tăng liều lượng cắt giảm thuế giá trị gia tăng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giảm giá bán, tăng sức tiêu thụ, bởi đây là điểm nghẽn lớn hiện nay.