Nên đưa nhóm máu vào thẻ căn cước

ANTĐ - Ngày 19-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch. Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi).

Nên đưa nhóm máu vào thẻ căn cước ảnh 1
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội
 phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Căn cước công dân


Về dự án Luật Căn cước công dân, ĐB Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình kiến nghị, không nên thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân (CMND) sang căn cước công dân vì sẽ gây xáo trộn và mâu thuẫn giữa các giấy tờ của công dân, tốn kém không cần thiết cho ngân sách Nhà nước. 

Góp ý vào dự luật, ĐB Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết phải ban hành Luật Căn cước công dân và quan điểm chỉ đạo xây dựng luật, phạm vi điều chỉnh, bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo luật. 

ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu Quốc hội thông qua luật này, sẽ tạo một bước đột phá về cải cách hành chính theo tinh thần Nhà nước phục vụ nhân dân, giảm giấy tờ cấp cho nhân dân, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại của công dân khi làm thủ tục cấp, đổi về giấy tờ, căn cước công dân.

Đi vào những vấn đề cụ thể, ĐB Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là địa bàn hiện nay được Bộ Công an, Chính phủ cho phép triển khai việc cấp toàn bộ CMND theo công nghệ mới bắt đầu từ 1-4-2014. Qua gần 2 tháng, Hà Nội đã cấp được cho gần 200.000 người, cả cấp đổi, cả cấp mới. Với công nghệ như hiện nay, người dân đến làm nhanh hơn so với trước đây. Ngoài ra, ưu điểm khác của CMND mới không thể làm giả được. Cũng theo ĐB Nguyễn Đức Chung, số định danh cá nhân sẽ đảm bảo dù sau này người công dân có bị mất CMND thì đến bất cứ một địa phương nào đều có thể cấp lại được. 

Liên quan đến tên gọi là căn cước công dân hay CMND, ĐB Nguyễn Đức Chung nói: “Quan điểm, suy nghĩ của tôi là qua tâm tư nguyện vọng của các cán bộ chiến sĩ trong ngành công an, cũng như ý kiến của các cử tri, đề nghị luật này không nên là Luật Căn cước công dân mà để là Luật Chứng minh nhân dân”. Liên quan đến kiến nghị đưa nhóm máu vào căn cước, ĐB Nguyễn Đức Chung nói: “Hiện nay, ngành công an làm thẻ ngành thì tất cả đã có nhóm máu, phục vụ rất tốt cho việc mỗi lần cán bộ bị thương hoặc có vấn đề gì khi cần huy động cán bộ, chiến sỹ ủng hộ máu cho đồng đội. Thứ nữa, hiện nay chúng ta đang xây dựng các trạm cấp cứu trên các đường cao tốc, muốn cấp cứu ngay trên đường là phải có nhóm máu ngay thì mới có tác dụng. Việc đó là nhân đạo và rất tốt”. Đồng tình, ĐB Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cho rằng, việc đưa nhóm máu của công dân vào thông tin trên thẻ căn cước là điều rất cần thiết. Điều này phục vụ tiện ích không chỉ cho chính cá nhân đó mà còn cho cả xã hội. 

Góp ý kiến vào dự án Luật Hộ tịch, ĐB Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Luật Hộ tịch đưa ra cách đổi mới đột phá về quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, giảm bớt được các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, luật này chỉ nên điều chỉnh về các vấn đề hộ tịch, không điều chỉnh các vấn đề về khai sinh, thẻ căn cước để tránh trùng lắp với Luật Căn cước công dân. 

ĐB Trần Tiến Dũng đồng tình cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận hôn nhân vì nó có ý nghĩa hàm chứa nhiều thông tin cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công dân; những loại giấy tờ khác chỉ cần cấp trích lục khi công dân có yêu cầu. ĐB Huỳnh Văn Tính - Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, giấy khai sinh rất quan trọng đối với mỗi con người, vì vậy không nên bỏ cấp giấy khai sinh. Nhiều ý kiến khác cho rằng, giấy khai sinh là một bộ phận không thể tách rời của quản lý hộ tịch, vì vậy đề nghị duy trì cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận hôn nhân cho công dân. Nhiều ĐBQH khác cùng đề nghị, phải quy định rõ giấy khai sinh là căn cứ gốc của công dân trong Luật Hộ tịch; không thể cấp thẻ căn cước công dân thay cho giấy khai sinh. Kể cả sau này khi có cấp thẻ căn cước thì vẫn phải có giấy khai sinh.

Đề nghị Quốc hội có nghị quyết về Biển Đông

Cũng tại buổi thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đã “xin lỗi Quốc hội được phát biểu về Biển Đông”. Bởi theo ông, nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông sẽ khiến nhân dân thất vọng, còn ĐBQH chắc chắc sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri. ĐB Trương Trọng Nghĩa tha thiết đề nghị: “Tôi rất mong được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét, chấp thuận kiến nghị này. Tôi rất mong các ĐBQH chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị của tôi”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết, do trong chương trình nghị sự còn lại của kỳ họp không có mục thảo luận về biển Đông, đến nay, chỉ có thảo luận tổ và thảo luận ở hội trường, không hề có một dự định nào để ra một nghị quyết hoặc tuyên bố chính thức về Biển Đông nên đây là cơ hội duy nhất để ông có thể nói lên tiếng nói của mình và cũng là của rất nhiều cử tri.