NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu, xiết chặt vòng vây quanh Nga

ANTĐ - Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào tháng 9 tới, NATO có thể thông qua sự hiện diện lâu dài ở khu vực Đông Âu nhằm bao vây Nga.

RIA Novosti cho biết, lãnh đạo NATO hy vọng rằng tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9 tới, lãnh đạo các nước thành viên khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ thông qua sự hiện diện lâu dài của Liên minh quân sự này ở Đông Âu.

Điều này được công khai nêu ra trong bài viết trên Wall Street Journal của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen và tổng tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, Tướng Philip Bridlav.

Các nhà lãnh đạo khối đồng minh quân sự này đã lưu ý rằng, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales dự kiến sẽ ​​thông qua kế hoạch sẵn sàng hành động. Trong đó, bao gồm "ba thành phần chính" như sau:

Thứ nhất, các nước đồng minh coi là cần thiết phải đảm bảo các biện pháp dài hạn để bảo vệ các nước thành viên. Ở đây đang nói về việc tăng cường tuần tra trên không, đưa tàu vào biển Đen và biển Baltic, cũng như tiến hành các cuộc tập trận tích cực hơn ở Đông Âu.

Thứ hai, lãnh đạo NATO nhận thấy sự hiện diện của lực lượng NATO ở Đông Âu là cần thiết.

NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu, xiết chặt vòng vây quanh Nga ảnh 1

Biên đội tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải (Ảnh minh họa)


Thứ ba, như ghi nhận của các nhà lãnh đạo liên minh quân sự này, kế hoạch cần phải bao gồm các yếu tố tăng cường lực lượng phản ứng của NATO, để họ có thể nhanh chóng triển khai tại các nơi có dấu hiệu đầu tiên, trước khi xung đột bắt đầu.

Được biết, trong những tháng gần đây NATO tăng gấp ba lần số lượng các cuộc tập trận ở những vùng khác nhau của châu Âu. Nhưng khi đó, Nga cũng tiến hành hoạt động huấn luyện của lực lượng vũ trang, vốn đã được lên kế hoạch từ năm 2013.

Gần đây nhất, vào ngày 6-8, chiếc tuần dương hạm lớp Ticonderoga, USS Vella Gulf (CG-72) của hải quân Mỹ đã tiến vào biển Đen. Tàu này được trang bị hệ thống phòng không và chống tên lửa "Aegis", tên lửa hành trình "Tomahawk" và tên lửa đánh chặn "Standart Missile” (SM).

Trước đó vào đầu tháng 7, tuần dương hạm này cũng đã  tiến vào biển Đen với mục đích “thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực” - theo như tuyên bố của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, tàu này đã rời khỏi biển Đen ra hoạt động tại Địa Trung Hải, rồi lại tiếp tục trở lại biển Đen.