NATO đông tiến: Nga và bài học về cú lừa thế kỷ của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "NATO sẽ không tiến sang phía đông!"- vào thập niên 90 của thế kỷ trước, nước Nga khi đó mới tách khỏi Liên bang Xô viết đã ngây thơ tin vào những lời đường mật của phương Tây.

Mới đây, Thư ký Báo chí của Tổng thống Liên bang Nga là ông Dmitry Peskov đã nói rằng, Điện Kremlin nhận thấy cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang chuyển dần sang phía Đông, cũng như ghi nhận các hành động khiêu khích, tăng cường vũ trang cho Ukraine.

Ông cũng nói rằng, một trong những lằn ranh đỏ quan trọng của Nga là việc NATO bành trướng sang phía đông, nỗ lực kết nạp thêm thành viên mới và tăng cường vũ khí trang bị áp sát biên giới nước Nga. Điều này buộc Nga phải có những biện pháp nhất định.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khi bình luận về cái gọi là “Nga ngăn cản Ukraine gia nhập NATO” đã cho rằng, Nga không có quyền gì trong "vùng phạm vi ảnh hưởng" của mình, việc Ukraine có được gia nhập NATO hay không là phụ thuộc vào sự biểu quyết của tất cả các thành viên trong khối chứ không hề phụ thuộc vào việc Nga có đồng ý hay không.

Tuy nhiên hôm 14-12, quan chức cao cấp trong chính quyền Moscow đã thẳng thắn tuyên bố rằng, việc mở rộng NATO không thể diễn ra khi gây tổn hại đến an ninh của các quốc gia khác.

NATO bành trướng sang phía đông - Nga khẳng định sẽ không cho phép điều này xảy ra
NATO bành trướng sang phía đông - Nga khẳng định sẽ không cho phép điều này xảy ra

“Các thành viên NATO khẳng định rằng mỗi quốc gia đều có quyền quyết định một cách độc lập về việc họ đảm bảo an ninh của mình như thế nào, cho đến cả việc tham gia các liên minh quân sự-chính trị. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh: quyền tự do tham gia các liên minh không thể là tuyệt đối. Nó giống như trong xã hội loài người: quyền tự do của một cá nhân chấm dứt khi nó xâm phạm quyền tự do của người khác” - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Izvestia.

Theo ông, cần phải có khuôn khổ rõ ràng cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ tương hỗ. Đó là lý do tại sao các từ ngữ về “quyền tự do tham gia các liên minh” luôn đứng đồng đều với những câu chữ nói rằng “những điều này không được phép thực hiện bằng cách hy sinh an ninh của các nước khác”.

Thứ trưởng ngoại giao Nga chỉ rõ, cụ thể điều đó đã từng có và hiện vẫn đang tồn tại trong các văn bản của OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu).

Theo ông Ryabkov, việc mở rộng NATO từ lâu đã mâu thuẫn với định đề này và tất cả những nỗ lực diễn giải tình hình như thể Nga không có quyền phủ quyết về vấn đề này đều là những luận điểm ngụy biện. Moscow sẽ giữ vững lập trường của mình, nếu các đối thủ làm trái lại, họ sẽ thấy rằng an ninh của họ không được củng cố và hậu quả đối với họ sẽ nặng nề hơn.

Trước đó, vào ngày 10/12, Điện Kremlin có kế hoạch chuyển tải tới lãnh đạo Mỹ và NATO quan điểm khái niệm của mình về vấn đề an ninh châu Âu, đặc biệt là vấn đề “Nga sẽ yêu cầu NATO không mở rộng về phía Đông” và Nga sẽ sớm đưa ra các đề xuất phù hợp.

"Trong cuộc đối thoại với Mỹ và các đồng minh, chúng tôi sẽ kiên quyết xây dựng các thỏa thuận loại trừ bất kỳ sự mở rộng nào của NATO về phía đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí đe dọa gần lãnh thổ Nga” - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao OSCE.

Ông tuyên bố, trong tương lai gần, Moscow sẽ đưa ra các đề xuất phù hợp và đề nghị OSCE xem xét một cách nghiêm túc về thực chất, cùng nhau thảo luận và xây dựng các văn bản phù hợp với yêu cầu này.

Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến Nga cương quyết không cho phép Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương tiếp tục “đông tiến” và yêu cầu đưa nguyên tắc này vào các văn bản của NATO và OSCE là do trước đây Moscow đã dính vào “cú lừa thế kỷ” của phương Tây.

Các quan chức Nga đã nhiều lần tuyên bố, trong các cuộc đàm phán với Liên Xô vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Mỹ đã bảo đảm rằng, liên minh quân sự NATO đã hết mục đích và sẽ không mở rộng về phía đông, tức là không có ý định chống Nga.

Tuy nhiên, nước Nga non trẻ vừa tách ra khỏi Liên bang Xô viết khi đó đã quá “ngây thơ”, tin tưởng vào những lời nói suông, những câu hứa cửa miệng của các nguyên thủ phương Tây, để rồi sau đó, NATO đã liên tiếp kết nạp thêm các thành viên thuộc Liên Xô cũ, đặt căn cứ quân sự ở các nước này, hình thành vòng vây xung quanh nước Nga.

Do đó, hiện nay Moscow một mặt cương quyết ngăn chặn việc NATO tiếp tục kết nạp thêm thành viên mới là các nước láng giềng, mặt khác khẳng định đó là “nguyên tắc bất biến” phải được đưa vào trong các văn bản có tính cam kết giữa Nga với khối này.