Văn hóa giao thông - Bạn không ngoài cuộc

Nào cùng bàn giải pháp!

ANTD.VN - Tham gia diễn đàn, một số văn nghệ sỹ sống ở Hà Nội cho biết bao năm nay họ “sống trong sợ hãi” khi chứng kiến ý thức tham gia giao thông tệ hại, tắc đường và tai nạn giao thông thì ngày nào cũng có.

NSNA Xuân Chính: Giao thông trì trệ chẳng qua là ý thức kém

Bức xúc và mệt mỏi là cảm giác chung của những người tham gia giao thông, đặc biệt là vào dịp cận Tết, khi nhu cầu đi lại tăng đột biến. Còn 4-5 giây đèn đỏ, nhưng tiếng còi thúc giục người đi đường phải vượt trước khi tín hiệu chuyển sang xanh đã inh ỏi từ phía sau. Một người bấm còi đã khó chịu, đằng này có cả chục người cùng thi nhau nhấn, tạo nên một phức hợp âm thanh hỗn loạn giữa tiếng còi xe, tiếng động cơ.

Ngày Tết đã cận kề nên sự hối hả, vội vã lại càng hiện rõ trên gương mặt của người tham gia giao thông và sự nhường nhịn nhau lúc này đúng là của hiếm. Nhiều chiếc xe quay đầu một cách vô tư, mặc kệ sự an nguy của người đi đường. Chỉ 1-2 giây vội vã ấy nhưng hành động vô thức của người tham gia giao thông có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người, làm giao thông của cả một tuyến phố, một con đường tê liệt trong nhiều giờ. Tôi cho rằng, giao thông ngày càng trở nên tồi tệ, chẳng qua là do ý thức kém. 

Hoa hậu Ngọc Hân: Bố mẹ hãy là tấm gương

Ngọc Hân đã có lần được trải nghiệm làm “cảnh sát giao thông” điều tiết các phương tiện di chuyển tại một ngã tư đường phố. Tôi chỉ ở đó khoảng một tiếng đồng hồ nhưng đã thấy vô cùng mệt mỏi với tiếng động cơ, việc hít khói bụi và bị say giữa làn xe di chuyển đến chóng mặt. Và lần trải nghiệm ấy đã giúp tôi hiểu hơn về công việc của các chiến sỹ cảnh sát giao thông, một công việc khó nhọc, vất vả và đầy áp lực.

Để nói về giao thông vào dịp Tết, tôi sẽ nói ngay rằng, đó là bức tranh rõ rệt nhất cho ý thức tham gia giao thông của người dân hiện nay chưa được văn minh. Đặc biệt, những ngày giáp Tết, giao thông còn có xu hướng trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát, mạnh ai người nấy đi. Để thay đổi ý thức của người Việt, chắc không thể một sớm một chiều. Điều này cần được giáo dục tới thế hệ tương lai của đất nước ngay từ trong trường mẫu giáo. Bố mẹ chính là tấm gương để con cái học tập và người lớn cần gương mẫu trong chấp hành giao thông. 

Nghệ sỹ múa rối Chu Lượng: Giao thông tồi tệ, bức xúc kéo dài

Không chỉ trong dịp Tết, nỗi bức xúc của tôi khi tham gia giao thông kéo dài suốt cả năm. Nhưng đỉnh điểm nhất vẫn là những ngày giáp Tết khi nhà nhà bận rộn với công việc đi mua sắm, mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Hàng ngày, tôi vẫn di chuyển trên con đường Tố Hữu - Lê Văn Lương đến Nhà hát Múa rối Thăng Long trong trạng thái mệt mỏi, nhẫn nại tới mức tối đa để không nổi cáu với một chị phụ nữ đèo con tạt ngang đầu ô tô hay một anh taxi chạy ẩu.

Và nhiều khi, tôi cho rằng, mình nên chấp nhận điều ấy giống như việc mình không có quyền lựa chọn hoàn cảnh gia đình. Nhưng sự bức xúc vẫn không ngừng tăng khi những con phố đông nghẹt người qua lại, còn ý thức tham gia giao thông của người dân quá tồi tệ. Hậu quả của tắc đường, dòng xe cộ nối đuôi nhau đứng chôn chân một chỗ trong hàng giờ đồng hồ chính là những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe và sự lãng phí tiền của.

Nguyên nhân của tình trạng này không thể chỉ đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông kém mà còn có lỗi của nhà quy hoạch. Tầm nhìn ngắn hạn đã đẩy giao thông của Hà Nội vào mức báo động và lối thoát cho tình trạng này có lẽ là sự sẻ chia giữa chính quyền-người dân và nhà quy hoạch. 

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền: Chỉ có cùng nhau vào cuộc

 Ngược với mấy ngày đầu năm mới đường phố Hà Nội vắng tanh thì càng gần Tết, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên hơn, nhất là ở những khu vực trọng điểm như siêu thị, các ngã tư và phố có nhiều điểm giao cắt... Thực tế cho thấy, nơi nào có CSGT là tình hình giao thông khu vực đó thông thoáng, nếu có ùn tắc cũng được khơi thông ngay. Bởi một trong những nguyên nhân gây ùn tắc dẫn đến kẹt xe là do mọi người đã bỏ qua mọi luật lệ về giao thông để cố thoát ra khỏi khu vực ùn tắc. 

Nhưng với những ngày giáp Tết, lực lượng CSGT không thể có mặt ở khắp nơi để điều tiết mà các quận, huyện cũng cần tham gia tích cực hơn. Lực lượng này cần xác định điểm ùn tắc để bố trí sẵn lực lượng thay vì đợi lúc ùn tắc, kẹt xe rồi mới có mặt. Nếu có được sự phối hợp nhịp nhàng này, chắc chắn tình hình giao thông dịp trước Tết sẽ không xấu đi, và đó cũng là mong muốn của mọi người dân thành phố.

Bên cạnh đó, Hà Nội nên chăng lập các đội đặc nhiệm chống kẹt xe để có thể phản ứng nhanh, ngăn chặn, tháo ngay các nút thắt có thể dẫn đến tắc đường. Chỉ có cùng nhau vào cuộc, cùng phối hợp với tinh thần quyết liệt, có trách nhiệm trước dân của các lực lượng chức năng mới ngăn được tình hình giao thông không thêm căng thẳng.

Để thay đổi ý thức khi tham gia giao thông, người lớn cần gương mẫu trước con trẻ