Năng suất lao động Việt Nam đạt 43,4 nghìn đồng/giờ làm việc

ANTD.VN - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động/1 năm, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao gần gấp đôi so với năm 2011.

Năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng qua các năm

Ngày 7-8, Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị “ Cải thiện năng suất lao động quốc gia”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Năng suất lao động của Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động/năm, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018;

Riêng giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.

Điều này cho thấy, dù năng suất lao động của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Năng suất đạt 43,4 nghìn đồng/giờ làm việc

Theo kết quả Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 45,3 giờ năm 2018.

Năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc của Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành đạt 43,4 nghìn đồng, cao hơn 3,5 nghìn đồng so với năm 2017.

Tính theo PPP 2011, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Việt Nam đạt khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Năm 2015 chỉ đạt 4,4 USD, trong khi đó Malaysia đạt 24,9 USD; Thái Lan đạt 12,1 USD; Indonesia đạt 12 USD; Philippines đạt 8,4 USD.

Riêng Singapore đạt mức năng suất lao động theo giờ rất cao với 54,9 USD nhưng do số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động ở Singapore cao hơn ở Việt Nam nên khoảng cách giữa năng suất tính theo mỗi giờ làm việc giữa Singapore và Việt Nam là12,5 lần, giảm so với khoảng cách 13,7 lần khi tính theo năng suất trên mỗi lao động.

Tăng năng suất để tạo bứt phá

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chỉ số năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam đang nhanh nhất khu vực, giúp thu hẹp khoảng cách với các nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế. Đó là chính sách về quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, thị trường lao động, tính cạnh tranh, tiền lương chưa được vận hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường…

Ngoài ra, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là nhân lực những ngành mới, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nút thắt về cơ sợ hạ tầng, đất đai, tài chính, tiếp cận nguồn lực, đổi mới sáng tạo… cũng được chỉ ra là một điểm nghẽn.

Từ đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 6 định hướng và 6 nhiệm vụ trọng tâm để tăng năng suất trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phát động phong trào cải thiện năng suất lao động quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tham gia các nhiệm vụ, giải pháp để tăng năng suất.

“Tăng năng suất để tạo ra một cuộc bứt phá mới, đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh, bền vững”- Thủ tướng nhấn mạnh.