Nâng cấp quốc lộ 1B qua Thái Nguyên, Bộ Giao thông nói chưa thu xếp được nguồn vốn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - QL1B từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên có chiều dài khoảng 145km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên có chiều dài khoảng 45km.

Về kiến nghị đầu tư dự án cải tạo nâng cấp đường QL1B nối từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cầu Gia Bảy (Thái Nguyên), đoạn Km100 - Km144+700 trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT thông tin, QL1B từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên có chiều dài khoảng 145km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên có chiều dài khoảng 45km (từ Km100 - Km144+700), hiện trạng đạt cấp IV, quy mô cơ bản phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thời gian qua, tuyến đường đã được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để đảm bảo êm thuận và an toàn cho các phương tiện lưu thông. Năm 2019, Bộ GTVT đã giao đơn vị trực thuộc tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư QL1B đoạn Km100 - Km144+700 để làm cơ sở xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công.

Quốc lộ 1B qua địa phận tỉnh Thái Nguyên

Quốc lộ 1B qua địa phận tỉnh Thái Nguyên

Ngoài các dự án quan trọng, động lực là mục tiêu chính của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT đã được dự kiến bố trí vốn để triển khai theo yêu cầu; còn nhiều dự án, có quy mô không lớn nhưng là các điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông, có nhu cầu đầu tư để phát huy hiệu quả toàn hệ thống vẫn chưa cân đối được trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai.

Bộ GTVT nhận thấy việc đầu tư QL1B là cần thiết, hiện đã có trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai dự án.

Trong khi chưa có điều kiện triển khai dự án mới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.