Nam Cực “nóng” cuộc chiến

ANTĐ - Nam Cực băng giá và là châu lục duy nhất trên Trái đất không có con người sinh sống đang “nóng” lên vì cuộc tranh chấp giữa các quốc gia đòi chủ quyền, nhất là Anh và Argentina.

Các nhà khoa học quốc tế trong một chuyến nghiên cứu khoa học tại Nam Cực

Bộ Ngoại giao Argentina ngày 22-12 cho biết đã triệu Đại sứ Anh John Freeman tại nước này đến để phản đối Anh có kế hoạch đặt tên cho một địa điểm thuộc nơi mà Buenos Aires cho là "Khu vực Nam cực của Argentina". Trong cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Argentina đã dùng những lời nặng nề về những “tham vọng đế quốc lỗi thời” của London không còn phù hợp với tinh thần hòa bình và hợp tác của Hệ thống hiệp ước Nam Cực, đồng thời tái khẳng định chủ quyền của Buenos Aires đối với khu vực trên. 

Phản ứng gay gắt của Argentina xuất phát từ động thái mới của Anh nhằm đòi chủ quyền với khu vực tranh chấp giữa hai nước cũng như giữa Anh với Chile ở Nam Cực. Trong một tuyên bố đưa ra nhân kỷ niệm 60 năm Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, nước này sẽ chính thức đặt tên cho một vùng tại Nam Cực rộng gấp đôi diện tích của Anh, mà Argentina và Chile đòi chủ quyền, là “Miền đất của Nữ hoàng Elizabeth”. 

Tranh cãi giữa Anh và Argentina không chỉ làm xấu thêm mối quan hệ giữa hai nước từng xảy ra cuộc chiến tranh đòi chủ quyền quần đảo Malvinas hồi năm 1982 mà còn làm “nóng” thêm cuộc tranh chấp chủ quyền với nhiều khu vực ở châu Nam Cực. Dù là châu lục đóng băng vĩnh cửu quanh năm và lục địa duy nhất không có con người sinh sống thường xuyên, song Nam Cực lại là vùng đất giàu có tài nguyên thiên nhiên cũng như thủy sản, trữ lượng nước ngọt nhiều nhất thế giới…

Theo đánh giá, Nam Cực là một lục địa giàu tài nguyên thiên nhiên, với các trữ lượng chì, vàng, kim cương, khí đốt và đặc biệt là dầu mỏ rất lớn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính, vùng biển Nam Cực có trữ lượng 50 tỷ thùng dầu. Nếu không tính tới khu vực Trung Đông thì châu lục này chỉ đứng sau Nga và Venezuela về trữ lượng dầu khí. 

Nhằm phòng ngừa và ngăn chặn những cuộc tranh chấp đòi chủ quyền ở Nam Cực, đại diện của 43 quốc gia đã cùng ký kết Hiệp ước Nam Cực vào năm 1959 (có hiệu lực năm 1961), trong đó khẳng định Nam Cực là một lục địa bất khả xâm phạm. Song không phải vì thế mà có thể bảo vệ được châu lục tránh khỏi các đòi hỏi chủ quyền đơn phương cũng như tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia.

Ngoài Anh đã tuyên bố đòi chủ quyền với khu vực rộng 1 triệu km2, Australia hiện là một trong 8 quốc gia và là nước đòi hỏi chủ quyền trên diện tích lớn nhất ở Nam Cực. Australia đang đòi chủ quyền tới 40% diện tích của châu Nam Cực, một đòi hỏi bị thế giới phản đối mạnh mẽ.

Anh, Australia, Argentina, Chile… đã đệ trình các văn kiện tuyên bố chủ quyền với các khu vực ở Nam Cực. Tuy nhiên, đại đa số các nước trên thế giới, trong đó có 2 cường quốc hàng đầu là Nga và Mỹ, từng nhiều lần tuyên bố rằng không thừa nhận nguồn tài nguyên đáy biển ở vùng Nam Cực thuộc về bất cứ quốc gia nào và yêu cầu LHQ không xem xét, thẩm định các dữ liệu liên quan đến vấn đề này. 

Trong bối cảnh đó, động thái căng thẳng mới giữa Anh và Argentina chắc chắn sẽ làm “nóng” thêm cuộc tranh chấp chủ quyền ở Nam Cực.