Năm 2022: Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 9-6-2022, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham gia làm rõ các vấn đề có liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham gia làm rõ các vấn đề có liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 9-6-2022

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham gia làm rõ các vấn đề có liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 9-6-2022

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án, tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các sai phạm làm chậm tiến độ giải ngân.

“Đến ngày 31-5-2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%; vốn ODA đạt 6,26%. Đúng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm; 41/51 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương tăng cường giám sát các địa phương trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời có ý kiến để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có được kết quả tích cực, nổi bật nêu trên là nhờ có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được triển khai hiệu quả, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Tổ chức bộ máy đang được tiếp tục kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chế độ đề cương và dự toán có nhiều đổi mới tích cực, các chỉ số cải cách hành chính đều tăng.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra tiến độ rà soát, tháo gỡ vướng mắc còn chậm, còn xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả đột phá Chiến lược về hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung tiếp tục rà soát, triển khai quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm gắn với việc thực hiện Đề án, định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về cải cách hành chính. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với bảo đảm nguồn lực và thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Hoàn thiện thể chế trong giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trong báo cáo về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo của từng thời kỳ cũng có những điểm khác nhau. Theo đó, báo cáo của Bộ Tài chính dựa trên cơ sở các nguồn được quyết toán từ Kho bạc Nhà nước, còn báo cáo của các tỉnh, thành, báo cáo của các dự án lấy cơ sở từ thực tế thực hiện luôn luôn có sự chênh lệch số liệu. Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiến hành kiểm chứng, kiểm tra, đối chiếu để có số liệu chính thức, chính xác trong Báo cáo của Chính phủ lên Quốc hội về tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Về vấn đề thể chế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, khi giải ngân nguồn vốn đầu tư công triển khai chậm, Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại về vấn đề thể chế, xem xét những vướng mắc làm chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, các địa phương báo cáo, trong báo cáo tổng hợp lên, các vấn để chủ yếu gặp phải là do hiểu chưa hết các quy định thủ tục. Sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành giải thích về các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công. Những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, tập hợp lại để điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết sẽ tập hợp các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy định của pháp luật để báo cáo, đề xuất với Quốc hội.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, qua làm việc, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022. Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó:

- Một là, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

- Hai là, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để giải ngân nhanh, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án.

- Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

- Bốn là, đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; kịp thời có ý kiến với UBND cấp tỉnh để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2022.

Bố trí đủ kinh phí để thưc hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái): Đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đã có giải pháp gì để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, nhằm góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid- 19? Đồng thời, đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ làm rõ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh: “Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, là chương trình có vai trò quan trọng, tiếp nối Chương trình xóa đói giảm nghèo của giai đoạn trước. Chính phủ đã ban hành các văn bản để giúp cho quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo phù hơp với Luật Đầu tư công. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn làm căn cứ để các địa phương triển khai, chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách phù hợp để giải ngân nguồn vốn này, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”.