Năm 2016, Nga trang bị hàng loạt vũ khí "khủng"

ANTĐ - Trong năm 2016, quân đội Nga sẽ nhận nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có các loại vũ khí chiến lược; đồng thời nhiều khả năng, ngành công nghiệp quốc phòng nước này sẽ bội thu về xuất khẩu vũ khí.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti vừa đưa ra dự báo về hoạt động quân sự của Nga trong năm 2016. Phương hướng chính của hoạt động này xuất phát từ những ưu tiên mà Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh tối cao Putin đã đặt ra cho các lực lượng vũ trang và Tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga.

Trong năm 2016, Nga sẽ bắt đầu thực hiện chương trình nhà nước nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng, sẽ chế tạo các mẫu vũ khí mới cho lực lượng không quân vũ trụ (VKS), hải quân (VMF) và lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN).

Lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN)

Lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN) dự kiến sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn tiên tiến nhất RS-26 Rubezh. Lực lượng này cũng sẽ tiếp tục công việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu lỏng (MBR) RS-28 Sarmat.

Trong năm 2016, Nga cũng sẽ tái khởi động chương trình chế tạo các hệ thống tên lửa đường sắt (BZHRK) với tên lửa đạn đạo RS-24 Yars. Tên lửa này sẽ được đưa vào trang bị cho quân đội trong năm 2019 và sẽ tiếp tục phục vụ ít nhất cho đến năm 2040.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars của Nga

Hải quân Nga (VMF)

Hải quân Nga (VMF) sẽ được bổ sung hàng loạt tàu nổi các tàu nổi và tàu ngầm, cả hạt nhân lẫn thông thường, thế hệ mới nhất.

Hạm đội Biển Bắc sẽ có thêm tàu khu trục hiện đại lớp Đô đốc Gorshkov- Project 22350. Hạm đội Biển Đen sẽ được nhận tàu khu trục Project 11356-lớp Đô đốc Grigorovich và tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ mới Kazan dự án 885 Yasen.

Ngoài ra, Hạm đội Biển Đen cũng sẽ được biên chế hoàn chỉnh 6 chiếc tàu ngầm diesel-điện dự án 636-lớp Warszawianka, có khả năng phóng các tên lửa hành trình đối hạm/đối đất Kalibr-PL, sử dụng các tên lửa hành trình tầm siêu xa 3M-14 và 3M-54.

Tên lửa chiến thuật phản ứng nhanh và tên lửa phòng không

Trong năm 2016, các lực lượng vũ trang Nga sẽ được trang bị hai hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, loại phản ứng nhanh là Iskander-M. Hệ thống này vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện với các tính năng mới như bổ sung thêm 4 tên lửa đạn đạo-phòng không và 1 tên lửa hành trình.

Năm 2016, Nga cũng sẽ tổ chức thử nghiệm nhà nước hệ thống phòng không tầm ngắn Sosna, được phát triển để thay thế cho các hệ thống Strela-10M hiện nay đã lỗi thời.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Iskander-M của Nga

Xe tăng, xe bọc thép

Trong năm 2016, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ chuyển sang sản xuất hàng loạt các vũ khí và thiết bị quân sự trên cơ sở khung gầm Armata như xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata, xe thiết giáp chở quân Boomerang, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 và xe vận tải quân sự đa năng Taiphoon.

Thử nghiệm xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata sẽ được hoàn tất ngay trong năm nay. Dự kiến, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 trên cơ sở khung gầm Armata cũng sẽ đi vào sản xuất năm 2016-2017, ngay sau khi nó hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước.

Một nền tảng đa năng khác là Kurganets-25 có thể trở thành cơ sở thống nhất để sản xuất một loạt xe chiến đấu bộ binh bánh xích, từ dòng xe thiết giáp BMP cho tới pháo tự hành 122 mm. Hiện Nga cũng đang triển khai kế hoạch thử nghiệm loại thiết giáp chở quân Boomerang trong các binh chủng khác nhau.

Lực lượng hàng không vũ trụ

Đối với không quân, trong năm 2016 lực lượng này sẽ tiếp tục công việc hiện đại hóa triệt để máy bay ném bom chiến lược Tu-160 lên chuẩn Tu-160M, đồng thời hoàn thành kế hoạch thử nghiệm cấp nhà nước cho loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK FA T-50.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 tham gia không kích IS ở Syria

Bộ Quốc phòng Nga cũng sẽ ký hợp đồng về trang bị cho không quân các máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Mikoyan, thuộc thế hệ 4++ là MiG-35. Trong năm nay, các máy bay trực thăng vận tải Ka-62, có khả năng hoạt động trong vùng Bắc Cực sẽ bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt.

Trong năm 2016, Lực lượng hàng không vũ trụ (VKS) sẽ được trang bị các hệ thống radar phòng thủ mới, cũng như hệ thống phòng không mới và các hệ thống phòng thủ tên lửa, có khả năng phát hiện các mục tiêu ở phạm vi rất rộng.

Cũng trong năm nay, năm trung đoàn phòng không và phòng thủ tên lửa sẽ được tái trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumph.

Ngoài ra, lực lượng hàng không vũ trụ Nga cũng sẽ là quân chủng đầu tiên trong quân đội Nga hoàn toàn chuyển sang các phương tiện kỹ thuật số hiện đại, ngay trước khi kết thúc năm nay.

Xuất khẩu vũ khí của Nga

Trong năm 2016, Nga sẽ bắt đầu xuất khẩu các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran đúng theo kế hoạch đã định. Tổng cộng Iran sẽ mua tới bốn sư đoàn S-300 PMU-2. Hiện các hệ thống phòng không được thiết kế riêng cho Iran đã hoàn thiện các đặc tính độc đáo của nó.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa S-300 của Nga

Vào đầu năm 2016, quân đội Nga sẽ phóng thử tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đầu tiên từ máy bay tiêm kích Su-30MK theo đúng kế hoạch. Đây là loại tên lửa hành trình có tốc độ nhanh nhất trên thế giới, là công trình hợp tác chung giữa Nga và Ấn Độ.

Moscow sẽ tiếp tục đàm phán với New Dehli về việc cung cấp dòng xe tăng chiến đấu hàng đầu thế giới, phiên bản mới nhất là T-90MS do Uralvagonzavod sản xuất, cũng như về việc hiện đại hóa các loại xe tăng T-72 và T-90, cùng với khoảng 1500 xe chiến đấu bộ binh BMP-2 mà quân đội Ấn Độ hiện có. 

Hợp đồng với Trung Quốc về việc bán 24 máy bay chiến đấu đa chức năng Su-35 cũng sẽ được thực hiện trong năm 2016. Thỏa thuận với ước tính khoảng hơn 2 tỷ USD này cũng là hợp đồng bán loại tiêm kích thế hệ 4++ đầu tiên của Nga.

Ngoài ra, Moscow cũng đang tiếp tục đàm phán với Indonesia về việc cung cấp khoản tín dụng ưu đãi, để tài trợ cho nước này mua sắm các vũ khí Nga, bao gồm các máy bay chiến đấu Su-35 và có thể là cả tàu ngầm Kilo.

Máy bay trinh sát không người lái chiến thuật Orlan-10 của Nga

Robot và các UAV quân sự hiện đại

Trong năm 2016, quân đội Nga cũng sẽ trang bị hàng loạt loại robot quân sự tiên tiến, trong đó có cả robot chiến đấu và robot làm nhiệm vụ bảo đảm.

Hiện nay, các hệ thống robot rà phá bom mìn hiện đại đang được thử nghiệm quân sự tại các đơn vị công binh trên lãnh thổ Cộng hòa Chechnya và Cộng hòa Ingushetia. Các loại robot chống khủng bố, cứu hộ cũng đang được phát triển hoàn thiện.

Trong thời gian qua, Nga cũng đã thử nghiệm thành công vượt bậc tính năng của các robot chiến đấu trên chiến trường Syria. Các robot này đã trở thành lực lượng mở đường cung kích hay yểm trợ hỏa lực cho bộ binh Syria đánh chiếm nhiều cứ điểm phòng thủ chắc chắn của IS.

Trong năm 2016, quân đội Nga cũng sẽ trang bị các loại máy bay trinh sát không người lái hiện đại, có tầm trinh sát tới hàng ngàn km, với những tính năng độc đáo. Chúng sẽ là sự bổ sung vô cùng quý giá cho các máy bay trinh sát không người lái Orlan-10, có phạm vi tác chiến chỉ 500km.