Năm 2015: Tốc độ tăng tổng sản phẩm của Hà Nội ở mức 9-9,5%

ANTĐ -Với 100% đại biểu tham dự tán thành, sáng nay 3-12, HĐND TP khóa XIV kỳ họp thứ 11 đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội Thủ đô năm 2015.

Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ở mức 9-9,5%; trong đó, dịch vụ  tăng 9,8-10,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,7-9,0%, nông nghiệp tăng 2,0-2,5%. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 11-12%. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 8-9%.

Tỷ lệ dân số thành thị dùng nước sạch duy trì 100%; Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước hợp vệ sinh 99%; Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch 40%; Số xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 55 xã (lũy kế đến hết năm 2015 có 155 xã); Tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày: Khu vực đô thị 98%; Khu vực nông thôn 87%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường duy trì 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng 35%.

100% đại biểu tham dự đã tán thành, thông qua Nghị quyết kinh tế xã hội năm 2015

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND TP tiếp tục tập trung vào 7 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn TP; đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều ĐB, trong năm 2015 thành phố cần quan tâm đến một số nội dung như cải cách hành chính, tăng sự tiếp cận vốn cho doanh nghiệp cũng như quan tâm đến khung giá đất cho sản xuất và kinh doanh; vấn đề kiểm soát ATTP, ô nhiễm môi trường và chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thông cũng được nhiều ĐB đánh giá còn nặng về hình thức và chưa có hiệu quả.

ĐB Phạm Văn Tài,  tổ Thường Tín cho ý kiến, đào tạo nghề cho nông thôn thời gian qua được quan tâm và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, việc thực hiện chưa đi theo quan điểm và mục tiêu của dự án, đào tạo không theo nhu cầu thực tế của người lao động. "Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang mất cân đối, nặng về nông nghiệp và chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, gây lãng phí ngân sa sách. Trong khi đó, các mô hình phát huy hiệu quả thấp, qua 4 năm thực hiện chỉ có 3 mô hình hiệu quả. Các cấp chính quyền, các đơn vị được giao đào tạo nghề chỉ quan tâm đến việc mở lớp, giải ngân. Mô hình đào tạo nghề truyền thống để phát huy giá trị làng nghề tính khả thi không cao, không mang lại hiệu quả," ĐB Phạm Văn Tài bày tỏ.