Mỹ tuyên bố rắn với Trung Quốc

ANTĐ -Đối thoại Shangri-La đã khép lại hôm qua 31-5 song vẫn nóng nguyên với những phát biểu mạnh mẽ của quan chức quốc phòng hàng đầu các nước về Biển Đông, bao gồm cả tuyên bố được cho là cứng rắn thể hiện lập trường của Mỹ. 
Mỹ tuyên bố rắn với Trung Quốc ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La

Trong phát biểu được đánh giá là rất quan trọng và thu hút sự chú ý của nhiều nước trong khu vực tại Đối thoại Shangri-La ngày 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhấn mạnh: Mỹ phản đối việc tiếp tục bất cứ hoạt động quân sự hóa nào tại Biển Đông. Bộ trưởng Carter cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” về quy mô bồi đắp đảo của Trung Quốc cũng như viễn cảnh quân sự hóa xa hơn trên các đảo nhân tạo. Washington cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu quân sự đến khu vực này. 

Bộ trưởng Ashton Carter đã chỉ rõ Bắc Kinh cư xử không tuân theo các thông lệ quốc tế. “Đầu tiên, chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình cho mọi cuộc tranh chấp. Để chấm dứt điều đó, cần chấm dứt ngay lập tức và lâu dài đối với việc bồi đắp đảo” - ông Carter nói và nhấn mạnh các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông không thể giải quyết bằng con đường quân sự.  Ông cũng nói thêm rằng Washington phản đối việc quân sự hóa trong vùng tranh chấp vì điều này làm tăng các nguy cơ tính toán sai hoặc xung đột. 

Từ năm 2010 đến nay, Biển Đông luôn là một vấn đề mà lãnh đạo, giới học giả và giới quân sự quốc phòng các nước đặc biệt quan tâm. Năm nay, sự quan tâm đó càng tăng lên bởi trước thềm Đối thoại Shangri-La lần này, những thông tin về việc Trung Quốc thay đổi thực trạng, trong đó có việc đưa "vũ khí" ra một đảo nhân tạo trên Biển Đông đã tác động mạnh đến dư luận khu vực và thế giới. Những hành động ngang ngược này, như lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin  Hussein, vấn đề Biển Đông có thể leo thang thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu. 

Cũng chính vì hệ quả khó lường nếu để Biển Đông nóng đến mức không thể kiểm soát nên tại Diễn đàn Shangri-La lần này, rất nhiều sáng kiến, mong muốn có hợp tác thực chất được đưa ra. Có thể nêu ra ở đây sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia R. Ryacudu khi ông kêu gọi các nước Đông Nam Á và cả Trung Quốc kết hợp tuần tra Biển Đông “một cách hòa bình” để làm giảm nguy cơ xung đột.

Theo ông R. Ryacudu, việc tuần tra chung sẽ gửi thông điệp cảnh báo “không quốc gia nào được phép tăng cường sức mạnh hoặc đe dọa nước khác” ở Biển Đông. Quan điểm của ông R. Ryacudu được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein chia sẻ bằng tuyên bố: “Tuần tra chung với Trung Quốc không phải là một điều không thể. Thực tế việc tuần tra kết hợp nhiều quốc gia mang lại hiệu quả tích cực, như chống cướp biển ở eo biển Malacca”.

 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thì nêu đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri La”, tập trung vào các yếu tố chính, gồm hoàn thiện các quy tắc chung và pháp luật trên biển trong khu vực nhằm thúc đẩy việc đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy các cuộc tập trận chung cũng như xem xét các biện pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến tàu ngầm. 

Có thể nói việc một loạt nước đưa ra những quan điểm kiên quyết cũng như các sáng kiến mới nhằm tạo lập một cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình là thực sự cần thiết. Điều này không những làm giảm nguy cơ xung đột mà còn góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.