Mỹ - Trung tìm cơ hội thỏa hiệp tại cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đang có triển vọng sẽ dịu bớt nhờ cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tuần sau.

Những cuộc trả đũa giữa Washington và Bắc Kinh

Theo xác nhận của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào ngày 14-11, trước thềm Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trên đảo Bali, Indonesia. Dù đã xúc tiến một vài lần điện đàm nhưng đây mới là cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình được bầu làm nguyên thủ quốc gia của Mỹ và Trung Quốc. Lần gần đây nhất hai ông gặp nhau là vào các năm 2011 và 2015, khi ông Joe Biden đang giữ cương vị Phó Tổng thống Mỹ.

Cuộc gặp giữa ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được hy vọng sẽ giúp giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ -Trung

Cuộc gặp giữa ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được hy vọng sẽ giúp giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ -Trung

Dư luận đặc biệt quan tâm đến chuyến thăm bởi những năm gần đây, quan hệ Mỹ - Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng do bất đồng trong một loạt vấn đề, từ thương mại đến chủ đề Đài Loan (Trung Quốc). Dưới thời ông Donald Trump, bắt đầu từ cuối tháng 3-2018, Mỹ thông báo đánh thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Bắc Kinh phản đòn bằng hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Chỉ trong vòng 2 năm, Mỹ đã đánh thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc cũng đánh thuế 25% lên 110 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Cán cân thương mại giữa hai quốc gia xoay chuyển khiến tăng trưởng kinh tế chịu nhiều sức ép.

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của ông Joe Biden coi Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21 và từ đó xác định cách tiếp cận cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc. Điều này thể hiện chính sách không khoan nhượng của Mỹ đối với Trung Quốc, tuy nhiên nó cũng cho thấy sự linh hoạt của Washington trong xử lý quan hệ với Bắc Kinh.

Trong bối cảnh đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc một lần nữa leo thang bởi chuyến thăm tới Đài Loan hồi đầu tháng 8 năm nay của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh. Trung Quốc đáp lại bằng việc công bố 8 biện pháp trả đũa, trong đó có việc ngừng đối thoại giữa các chỉ huy quân sự cấp cao cao hai nước, ngừng các cuộc đàm phán về khí hậu cũng như hoạt động hợp tác với Mỹ trong vấn đề ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới và hồi hương người di cư bất hợp pháp. Bắc Kinh cũng quyết định “áp đặt trừng phạt đối với bà Nancy Pelosi và gia đình” nhưng không nêu chi tiết về lệnh trừng phạt.

Đến ngày 7-10, Mỹ công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm mục tiêu bóp nghẹt mảng bán dẫn Trung Quốc. Động thái này dựa trên Quy định sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR). Quy định này được ban hành năm 1959 và bổ sung năm 2020 nhằm cho phép Mỹ kiểm soát những loại chip sản xuất ở nước ngoài, ngăn chúng đến tay tập đoàn Huawei của Trung Quốc và chặn dòng chảy thiết bị bán dẫn đến Nga. Theo điều khoản mới, các công ty ở mọi nơi trên thế giới không được phép bán chíp máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ. Họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt. Phần lớn quy định có hiệu lực ngay lập tức.

Tìm khuôn khổ cho quan hệ song phương ổn định, tránh đối đầu

Mặc dù cả hai nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực trong việc tự chủ và giảm sự phụ thuộc vào nhau nhằm hạn chế các rủi ro thương mại nhưng với vai trò là hai quốc gia phát triển hàng đầu, sự ràng buộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành sản xuất là điều tất yếu. Điển hình, mặt hàng chíp bán dẫn của Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc nhiều vào Mỹ do yếu tố công nghệ cao. Đây cũng là thành phần quan trọng cho các mặt hàng từ điện thoại thông minh, máy móc hiện đại hay ngành sản xuất ô tô. Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn đang là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, đặc biệt là các lĩnh vực có hàm lượng kim loại cao như: điện thoại, máy tính, thiết bị mạng, linh kiện điện tử.

Do lệnh cấm của Mỹ, nhiều công ty Mỹ làm ăn với các đối tác Trung Quốc xác nhận sẽ mất hàng tỷ USD. Lam Research Corp là nhà sản xuất thiết bị bán dẫn mới nhất đưa ra ước tính thiệt hại tài chính. Công ty có trụ sở ở Thung lũng Silicon cho biết, sẽ tổn thất khoảng 2,5 tỷ USD trong năm 2023 do lệnh cấm xuất khẩu chíp. Trước Lam Research, Applied Materials - nhà sản xuất thiết bị chíp lớn nhất của Mỹ - cũng thừa nhận việc hạn chế xuất khẩu sẽ khiến doanh thu của hãng bị mất từ 250 triệu đến 550 triệu USD trong quý vừa qua. Lam Research, Applied Materials và một công ty bán dẫn khác của Mỹ là KLA Corp hiện là các nhà cung cấp tấm wafer fab dùng để sản xuất chíp lớn nhất của Mỹ.

Trên quy mô toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối diện với hàng loạt rủi ro, từ dịch bệnh tới các yếu tố vĩ mô liên quan tới kiểm soát lạm phát và viễn cảnh suy thoái kinh tế, một kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tái thiết lập dường như sẽ rất bất lợi cho cả hai bên và thế giới. Mặc dù căng thẳng thương mại khó có thể leo thang mạnh mẽ như giai đoạn trước, tuy nhiên, không loại trừ khả năng các đòn đánh về kinh tế có thể xảy ra và khi đó, nhiều lĩnh vực sẽ chịu tác động tiêu cực.

Chính vì thế, cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ - Trung lần này được kỳ vọng sẽ là một cuộc trò chuyện sâu sắc và thực chất giữa hai nhà lãnh đạo nhằm hiểu rõ hơn về các ưu tiên và ý định của nhau. Theo thông báo của Nhà Trắng được hãng tin Reuters dẫn lại, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực để duy trì và làm sâu sắc hơn các đường dây liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và làm việc cùng nhau ở những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên phù hợp, đặc biệt là về những thách thức xuyên quốc gia ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.

Phát biểu với báo giới vào ngày 9-11, ông Joe Biden nói rằng ông hy vọng sẽ tìm thấy một cơ hội thỏa hiệp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để góp phần hạ nhiệt một số căng thẳng khu vực. Nói về cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc tại G20, ông Biden cho biết, mục tiêu của ông là hiểu sâu hơn về các ưu tiên và mối quan tâm của ông Tập Cận Bình. Ông Biden cũng sẽ thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Có thể thấy giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại nhiều bất đồng nhưng hai bên vẫn chủ trương đối thoại và thông qua ngoại giao để giảm bớt căng thẳng cũng như nhấn mạnh tới nhu cầu hợp tác trong một số lĩnh vực quốc tế. Do đó, khả năng tại cuộc gặp lần này, nguyên thủ hai nước sẽ phải tính đến khuôn khổ cho quan hệ song phương theo hướng ổn định và tránh dẫn đến xung đột.