Mức sống tối thiểu

ANTĐ - Trong năm 2012, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức khá cao 5,8% so với Hàn Quốc,          Singapore, Malaysia… Lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức một con số, từ 18,7% năm 2011 xuống còn 9,8%. Song lạm phát vẫn ở mức khá cao so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Với tốc độ lạm phát cao, Việt Nam tiếp tục phải gánh chịu thách thức về đói nghèo và an ninh lương thực khi có khoảng 60-70% thu nhập của người dân chi cho lương thực, thực phẩm. Đó là báo cáo điều tra của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc vừa được công bố.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban này, mặc dù nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, nhưng Việt Nam đang cố gắng theo kịp và thu hẹp khoảng cách thu nhập với các nước có thu nhập cao; đồng thời đã tăng năng lực sản xuất dựa trên sự đa dạng của nền kinh tế và khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên những thay đổi về giá cả đã làm giảm những yếu tố khích lệ sản xuất. Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa nền kinh tế, tạo cơ hội việc làm có năng suất và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Điều này không chỉ giúp giảm nghèo mà còn thúc đẩy tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng. Ủy ban của Liên hợp quốc, cũng cảnh báo sự gia tăng bất bình đẳng tiền lương, thu nhập là nguy cơ tác động mạnh tới năng suất lao động, đời sống người lao động cũng như khả năng tái tạo sức lao động. Lời cảnh báo hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào kết quả khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn vừa tiến hành tại các doanh nghiệp ngành dệt may, giày da, chế biến, xây dựng, cơ khí… tại 10 địa phương trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương.

Điều đáng quan ngại nhất là lương tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp này chỉ bằng 60% mức sống tối thiểu. Có nghĩa là họ khó có thể “nạp” đủ năng lượng, calo tối thiểu trong một ngày, chứ chưa nói tới chuyện tái tạo sức lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, mức chi phí trung bình của người lao động cho cuộc sống hàng ngày ở khu vực I chỉ bằng 84% so với mức chi tiêu tối thiểu để đảm bảo tái tạo sức sản xuất. Khu vực II chỉ bằng 67%, khu vực III là 63,8% và khu vực IV là 48,2%. Thắt chặt chi tiêu tới mức tối đa mức lương tối thiểu, vì thế chỉ có 26,4% số người lao động dành dụm được 2-3 triệu đồng/năm, chỉ có 8,5% để dành được trên 3 triệu đồng.

Trong khi đó, có tới 17,5% lao động không có nổi một đồng để khám chữa bệnh. Không đủ sống tối thiểu với mức lương tối thiểu, người lao động buộc phải tằn tiện chi tiêu, “bóp mồm, bóp miệng”. Hơn thế, họ còn phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ để có thêm thu nhập, bù đắp các khoản chi tiêu không thể thiếu. Tiền lương thấp, người lao động trông vào bữa ăn giữa ca là bữa chính, nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu để duy trì cuộc sống và phần nào để “cày ngày, cày đêm”. Với mức lương phổ biến hiện nay bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng, cộng cả đồng tiền làm thêm giờ, cuộc sống của hàng triệu người lao động may ra cũng chỉ đủ duy trì cuộc sống tổi thiểu. Tỷ lệ người lao động làm thêm giờ cao nhất là ngành giày da tới 71,8%; ngành dệt may là 51,5%.

Theo quy định của Luật Lao động, nhu cầu mức sống tối thiểu là căn cứ để công bố, điều chỉnh mức lương tối thiểu. Bao năm chỉ thấy công bố mức lương tối thiểu. Đến bao giờ mới công bố mức sống tối thiểu của người lao động?