Mùa hè, gia tăng trẻ em bị bỏng

PGS.TS Lê Năm – Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, thời gian qua Viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bỏng trẻ em khi kỳ nghỉ hè mới chỉ bắt đầu chưa đầy một tuần.

Mùa hè, gia tăng trẻ em bị bỏng

PGS.TS Lê Năm – Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, thời gian qua Viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bỏng trẻ em khi kỳ nghỉ hè mới chỉ bắt đầu chưa đầy một tuần.

>>>30% ca bỏng trở nên trầm trọng hơn khi chuyển viện

Bệnh nhi bị bỏng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia.

Bệnh nhi bị bỏng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia.

TS Năm giải thích, đây là thời gian trẻ được nghỉ hè, do bố mẹ đi làm không có người quản lý nên rất dễ xảy ra tai nạn. Thường trẻ em nông thôn bị bỏng nhiều hơn trẻ ở thành phố.

Nguyên do là cha mẹ đi làm, trẻ ở nhà không ai chỉ bảo nên nghịch dại, thả diều dưới dây điện, trèo lên cột điện hoặc tự ý nấu ăn khiến bỏng nặng...

Mới đây nhất, ngày 2/6, cháu Lý Văn Hùng, 11 tuổi ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phải nhập viện do bị bỏng 60% diện tích cơ thể ở mức độ 2-3.

Mẹ cháu Hùng cho biết, hôm đó, chú của Hùng nướng mực bằng cồn, cậu bé ngồi xem chú nướng mực. Khi lửa hết, người chú thêm cồn vào, Hùng ngồi ngay cạnh bị lửa bắt vào người, không kịp tránh vì lửa bùng quá nhanh và mạnh nên toàn bộ phần da ngực, tay chân và một phần má của cháu bé bị bỏng nặng. Gia đình đưa cháu tới bệnh viện Bắc Ninh cấp cứu rồi chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia.

 Hôm qua (5/6), Viện Bỏng Quốc gia và Quỹ Châu Á phối hợp tổ chức hội nghị triển khai dự án phòng tránh tai nạn bỏng. Hiện nay, 30% các ca bỏng bị bệnh trầm trọng hơn khi chuyển tới bệnh viện tuyến trung ương do gia đình và nhân viên y tế sơ cấp cứu không biết cách xử lý kịp thời, 30% bị di chứng nặng nề sau bỏng.

Trước thực trạng này dự án phòng tránh tai nạn bỏng với kinh phí 70.000 USD do Quỹ giảm nhẹ thiên tai (thuộc Quỹ Châu Á) viện trợ sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về phòng tránh tai nạn bỏng, đồng thời nâng cao kỹ năng sơ cứu và điều trị bỏng cho cán bộ y tế cơ sở.

Viện Bỏng cũng từng tiếp nhận nhiều trẻ em bị bỏng do thức ăn nóng, đặc biệt là bỏng trong quá trình cả gia đình cùng ăn lẩu bằng bếp ga du lịch. Trẻ con vốn hiếu động nên rất dễ nhào vào nồi nước dùng lẩu đang đun sôi.

TS Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng khoa Nhi (Viện Bỏng Quốc gia) cho biết mỗi năm Khoa Nhi điều trị cho từ 1.800-2.000 trẻ em. Bỏng ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều. Với một vết bỏng chỉ bằng vài ngón tay, nếu không điều trị đúng cách cũng có thể khiến trẻ tử vong do nhiễm trùng.

Theo TS Tuấn, trẻ dưới 12 tháng tuổi chiếm khoảng 16% trong tổng số gần 80% trẻ dưới 5 tuổi bị bỏng do nhiệt ướt. Trẻ bị bỏng dễ mắc một số bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nếu vết bỏng sâu tự liền sẹo do điều trị bảo tồn thường gặp các di chứng như sẹo xơ co kéo và gây biến dạng cơ thể khi lớn lên.

Được biết, năm 2005, Viện Bỏng Quốc gia chi hết 26 tỷ đồng cho công tác khám và điều trị cho 1.200 bệnh nhi dưới sáu tuổi. TS Nguyễn Viết Lượng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 45.000-50.000 bệnh nhân bỏng, 50% số đó là trẻ em.

Hầu hết trẻ bị bỏng là do lỗi khách quan, do người lớn sơ ý. Hậu quả bỏng đối với trẻ em càng nặng nề vì đây là lứa tuổi đang phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Chi phí cho điều trị một ca bỏng ước tính từ 15-20 triệu đồng.

Thiếu kiến thức sơ cứu

Hiện nay, vấn đề nổi cộm nhất trong điều trị bệnh nhân bỏng vẫn là người lớn thiếu kiến thức về cách sơ cấp cứu cho trẻ khi bị bỏng.

TS Lượng cho hay, nhiều cha mẹ khi thấy con bị bỏng vẫn lấy nước mắm, kem đánh răng, muối, vôi bột, lòng trắng trứng gà... đổ và xoa vào chỗ bỏng của trẻ. Đây là việc làm nguy hại khiến vết thương bỏng trở nên nặng hơn, gây tai biến, để lại di chứng nặng nề hơn cho trẻ. Khoảng 2/3 số bệnh nhi bỏng bị gia đình sơ cứu sai trước khi đưa tới bệnh viện.

TS Tuấn cho biết, khi trẻ bị bỏng cần xả nước lạnh vào chỗ bỏng từ 15-20 phút liên tục để hạ nhiệt độ phần vết bỏng, tránh cho trẻ bị bỏng sâu. Tiếp đó dùng băng y tế sạch băng bó lại nhằm tránh chỗ bỏng bị phồng rộp và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp trẻ bị bỏng do điện giật, có thể dẫn đến ngừng tim, ngừng thở, người lớn cần làm hô hấp nhân tạo tại chỗ rồi mới đưa đi cấp cứu.

Khi trẻ bị bỏng rất dễ dẫn tới bị sốc do mất nước từ vết bỏng, không được cấp cứu sốc kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Lúc đó cần cho trẻ uống bù nước, có khoáng, nước Oresol.

Thông thường khi bị bỏng, trẻ thường bị sốc tâm lý do hoảng loạn, sợ hãi vì vậy người lớn cần động viên, trấn an tinh thần của trẻ, tránh gây những di chứng tâm lý đối với trẻ sau bỏng.

Thái Hà

Tiền Phong