Mua hàng trực tuyến: Năm ăn, năm thua

ANTĐ - Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh so với các nước châu Á do mức tiêu dùng lớn, dân số và nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người dân sống ở các đô thị đang sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến nhiều hơn, song, rủi ro trong các giao dịch này vẫn là cản trở lớn nhất của thương mại điện tử  ở Việt Nam.

Mua hàng trực tuyến: Năm ăn, năm thua ảnh 1Mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến

Đặt hàng xịn, được hàng nhái

Thấy đồng nghiệp trong cơ quan đã đôi lần mua hàng qua mạng và nhận được sản phẩm khá ưng ý, chị Phạm Thùy Liên (ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cũng đặt mua chiếc áo lông vũ siêu nhẹ tại website: Euro...vn. Chị Thùy Liên kể: “Giá bên bán đưa ra là 1.099.000 đồng/chiếc, tặng kèm 1 chiếc túi thời trang cho những khách hàng đầu tiên. Tôi không thích lấy túi nên bên bán giảm cho tôi 100.000 đồng. Khi nhận, tôi bỏ áo ra xem, thấy so với hình mẫu thì chiếc áo này sáng màu hơn một chút.

Tuy nhiên, đến khi mặc vào, tôi mới thấy chiếc áo mỏng manh không hề ấm như quảng cáo. Nói chuyện với đồng nghiệp, tôi biết mình mua phải hàng nhái với giá bằng hàng Uniqlo Nhật xịn. Sau đó không lâu, trong lần đi mua sắm cùng bạn bè, tôi thấy tại một cửa hàng trên phố Bà Triệu cũng bày chiếc áo y hệt loại mình đã mua nhưng chỉ có giá 650.000 đồng/chiếc”. Vì sự cố này, chị Thùy Liên cho hay, sẽ không mua hàng trực tuyến nữa vì trên mạng rất nhiều sản phẩm gần giống nhau, người mua không tinh ý dễ bị nhầm lẫn.

Tương tự, chị Đỗ Lan Anh (quận Cầu Giấy - Hà Nội) cũng ví mình là nạn nhân của bán hàng trực tuyến. Chị Lan Anh đặt mua 2 chiếc quần bò cho con trai 4 tuổi tại một website bán hàng phía Nam với giá 230.000 đồng/chiếc. “Khi nhận hàng, chỉ 1 trong 2 chiếc quần được làm từ chất liệu vải bò, chiếc còn lại là vải thô, màu sắc cũng không như trên website. Con tôi mặc lần đầu tiên cúc quần đã bật tung” - chị Lan Anh nói.

Theo thống kê của Ban tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến (OnlineFriday) năm 2015, trong ngày 4-12-2015, có 392 phản ánh của người tiêu dùng với sản phẩm của 105 doanh nghiệp. Trong đó, tỷ lệ phản ánh sản phẩm có giá gốc không đúng với giá thị trường chiếm đến 48%. Hai nhóm phản ánh về liên kết sản phẩm không đúng và nhãn hiệu, nguồn gốc không rõ ràng đều có tỷ lệ 18%. Con số này phần nào cho thấy mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro đối với khách hàng.

Phải biết tự bảo vệ mình

Tại Lễ công bố Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 mới đây, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, quyền lợi của người tiêu dùng trực tuyến chưa được bảo vệ thỏa đáng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử và đây là trở ngại lớn nhất cho hình thức thương mại này tại Việt Nam. Bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến là một trong những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu trong những năm tới. Theo ông Vũ Hoàng Liên, người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình bằng cách kiểm chứng thông tin các website thương mại điện tử và các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử online.gov.vn của Bộ Công Thương trước khi quyết định mua hàng.

Cuối năm 2015, hãng Ken Research dự đoán quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2019 đạt 7,5 tỷ USD. Giai đoạn 2016-2020, thậm chí tới năm 2025 có thể là giai đoạn phát triển nhanh của thương mại điện tử Việt Nam. Những năm gần đây, đầu tư cho hạ tầng, nhân lực, hạ tầng thanh toán, chuyển phát trong thương mại điện tử rất được quan tâm và có những chuyển biến đáng kể, tiện dụng hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hạ tầng dù có tốt và tiện ích đến mấy nhưng cách làm ăn chụp giật của một bộ phận người kinh doanh online cũng vẫn cản trở thương mại điện tử phát triển không đạt như kỳ vọng. Số lượng và quy mô giao dịch trực tuyến tăng lên cũng như nhiều hình thức kinh doanh trực tuyến mới xuất hiện sẽ dẫn tới số lượng và sự phức tạp của các tranh chấp trong thương mại điện tử tăng theo. 

Đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử, cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài và tòa án ở Trung ương cũng như các địa phương cần nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, xét xử. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trong những giao dịch này, nhằm tránh “tiền mất, tật mang”.