Mưa giông dị thường ở miền Trung, nhiều nơi thiệt hại nặng nề

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mưa giông dị thường những ngày qua đã khiến tỉnh Phú Yên thiệt hại nặng nề, ước tính khoảng 170 tỷ đồng với 2 người mất tích.

Mưa giông bất thường

Sáng nay, 1/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì họp trực tuyến với các Bộ, ngành và địa phương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tại tại các tỉnh miền Trung.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, liên tiếp từ 30 - 31/3, các tỉnh Trung bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to. Mưa lớn kèm theo giông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển đã gây thiệt hai nặng nề đến nhiều địa phương.

Tại cuộc họp, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đợt mưa lớn, giông lốc “dị thường” vừa qua gây thiệt hại rất nặng nề cho tỉnh.

Cụ thể, có 2 người dân mất tích, 91 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, có 2.450 lồng tôm; 12 nhà dân và 1 trường học bị ảnh hưởng; trên 12.400ha lúa bị đổ ngã, ngập nước; 259ha hoa màu bị thiệt hại. Ước tính khoảng 170 tỷ đồng thiệt hại.

“Đợt mưa lớn, giông lốc vừa qua khác hẳn với những nhận thức của người dân địa phương về thiên tai, mưa lũ. Tàu thuyền, lồng bè Phú Yên bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của dòng chảy ngầm, sóng biển lớn khiến người dân trở tay không kịp”, ông Thế cho hay.

Mưa giông 2-3 ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Phú Yên

Mưa giông 2-3 ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Phú Yên

Bình Định cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lớn những ngày qua. Theo đó, gió lớn đã gây đứt dây neo làm chìm, thiệt hại 55 phương tiện khai thác hải sản/53 hộ ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Ước tổng giá trị thiệt hại khoản 3,2 tỉ đồng. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập nước, hư hỏng.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định chia sẻ, đa số bà con có tàu chìm đều là ngư dân có hoàn cảnh rất khó khăn, vay mượn tiền để đóng tàu.

“Khi tàu bị chìm, thiệt hại rất lớn, sinh kế vô cùng khó khăn. Vì vậy, về lâu dài, đề nghị Chính phủ quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, tái thiết lại phương tiện đánh bắt để mưu sinh”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, đợt mưa vừa qua là hiện tượng thiên tai bất thường, mưa lớn kèm theo lốc xoáy rất lạ. Tại xã bán đảo Nhơn Lý, nhiều đợt bão lớn những năm qua vẫn không nhấn chìm tàu thuyền như đợt mưa lốc vừa rồi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu cùng chung nhận định. Đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, nghiên cứu về tình hình thiên tai qua diễn biến mưa gió bất thường vừa rồi để có hướng chủ động ứng phó.

Thống kê chính xác thiệt hại, báo cáo Chính phủ kịp thời

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, đợt mưa những ngày vừa qua là đợt mưa trái mùa, diễn ra trên diện rộng, kéo dài nhiều tỉnh miền Trung và không theo quy luật.

Các cơ quan Trung ương, Bộ ngành cũng đã có sự chỉ đạo kịp thời, không bị động. Ngay từ ngày 28/3, Thường trực ban chỉ đạo đã có văn bản giao nhiệm vụ triển khai các giải pháp gửi tới các địa phương để triển khai sớm công tác ứng phó.

“Đề nghị các địa phương huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả trong đợt mưa gió bất thường vừa rồi, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Đối với những khu vực có lúa, hoa màu chuẩn bị thu hoạch ngập nước, cần mau chóng tiêu thoát lũ, thoát lũ đến đâu, thu hoạch đến đó để giảm thiệt hại cho người dân. Đối với tàu thuyền bị chìm, lồng bè nuôi hải sản hư hỏng, cần có giải pháp trục vớt, thu hồi kịp thời”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần thống kê chính xác về thiệt hại của người dân, báo cáo lên để Chính phủ sớm có những chỉ đạo cụ thể, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân một cách nhanh chóng, kịp thời.

Theo Phó Thủ tướng, trong những ngày tới vẫn có mưa nên yêu cầu các địa phương rà soát các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng người dân…cần có kế hoạch di dời kịp thời. Cần có sự ứng trực, phân tích kỹ và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để điều tiết mực nước tại các hồ đập, đặc biệt là đập thủy điện, tránh trường hợp xả lũ ẩu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương không được chủ quan vì tình hình thiên tai vẫn đang có diễn biến phức tạp. Hiện tại, một số nơi lượng mưa giảm dần nhưng những ngày tới, mưa có thể nhiều lại, cần chủ động ứng phó để giảm thiệt hại.