“Mua bằng cấp là có”

ANTĐ - Trả lời câu hỏi của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn: “Vấn đề mua bằng cấp có diễn ra. Cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc song chưa phát hiện vụ nào do nhà trường tổ chức, đó chỉ là việc ngoài xã hội.

Gần đây, cơ quan công an cũng phát hiện khá nhiều trường hợp dùng bằng giả THPT để du lịch nước ngoài hoặc xuất khẩu lao động. Các trường và cơ quan của Bộ GD-ĐT đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xác minh, điều tra và phát hiện nhiều vụ việc dùng bằng giả mạo. Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà trường, Sở GD-ĐT công khai danh sách học sinh, sinh viên tốt nghiệp THPT, ĐH-CĐ thạc sỹ, tiến sỹ… để cơ quan có trách nhiệm có thể đối chiếu. Song việc này mới làm mấy năm  gần đây, còn diện tốt nghiệp nhiều năm trước thì chưa làm vậy được. Chúng tôi cũng đang xây dựng phần mềm để chống sao chép luận văn, luận án nhằm khắc phục tình trạng học giả, bằng thật. Cùng với đó, Bộ liên tục thanh tra, giám sát các cơ sở giáo dục về vấn đề bằng cấp, không để xảy ra việc sử dụng bằng giả”.

Trước tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng ghi nhận là có. Nhận một phần trách nhiệm, song, Bộ trưởng cũng phân định rõ: “Chúng ta đã bỏ chế độ phân công công tác rồi, có nghĩa phần đào tạo đã được tách ra khá rõ khỏi phần sử dụng lao động. Dù vậy, Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan đã bàn giải pháp khắc phục tình trạng này”.

Về câu hỏi vì sao 27,5 điểm vẫn trượt Đại học Y trong khi nhiều nơi thiếu thí sinh giỏi, Bộ trưởng nói, theo luật, tuyển sinh đại học – cao đẳng đã phân cấp cho các trường tự chủ. Hiệu trưởng tự quyết định hết. Ông nói: “Về mặt pháp luật, tôi – Bộ trưởng - không có quyền can thiệp vào. Vì thế, nếu trường lấy điểm chuẩn quá cao thì chuyện các em 27,5 điểm trượt không có gì đáng ngạc nhiên. Tất nhiên, khi các em trượt trường Y, vẫn còn những địa chỉ khác cho các em lựa chọn”.