"Mũ ni che tai" cho... lành?

ANTD.VN - Một giáo viên mầm non mới đây đã phải viết “tâm thư” gửi Bí thư Tỉnh ủy, bày tỏ sự bức xúc và tuyệt vọng vì bị điều chuyển công tác về vùng xa sau khi cô và một số giáo viên khác đứng lên tố cáo tiêu cực của hiệu trưởng nhà trường. 

Minh họa: Internet

Cụ thể, cô giáo Nguyễn Thị Huyền (giáo viên trường Mẫu giáo Đắk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) viết trong thư rằng, sau khi nhận được đơn tố cáo hiệu trưởng nhà trường liên tục có những lời lẽ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của các giáo viên, các cơ quan chức năng huyện, tỉnh đã có kết luận và hình thức xử lý sai phạm của bà hiệu trưởng.

Tuy nhiên, cùng với đó, cô Huyền và 3 giáo viên khác (là những người tham gia làm chứng) cũng bị điều chuyển  công tác tới vùng xa. Bức xúc về việc bị điều chuyển, các giáo viên đã đơn khiếu nại gửi lên UBND huyện Mang Yang nhưng đã 2 tháng trôi qua, các cô vẫn chưa nhận được thông báo giải quyết. 

Tố cáo tiêu cực rồi sau đó phải chịu sự đè nén, trù dập không chỉ từ lãnh đạo cơ quan mà thậm chí từ các cấp cao hơn, “điệp khúc” đó đã khiến nhiều người thở dài ngao ngán. Riêng trong ngành giáo dục, kể sơ cũng có hàng tá vụ việc gây bức xúc.

Chẳng hạn một giáo viên ở Kiên Giang khi gửi đơn kiến nghị đến Phòng Giáo dục huyện đề nghị làm rõ các dấu hiệu sai phạm của Hiệu trưởng nhà trường  thì bị chính Trưởng phòng Giáo dục đe rằng “cho chuyển đi trường khác”.

Sau đó, trong khi đơn kiến nghị của giáo viên này chưa được giải quyết thì hiệu trưởng bị tố cáo lại được điều chuyển làm hiệu trưởng một trường chất lượng cao hơn, còn giáo viên tố cáo bất ngờ bị luân chuyển công tác tới một trường cách nhà mấy chục km.

Còn tại một trường ở Phú Thọ, khi một thầy giáo cung cấp thông tin cho báo chí về việc học sinh của mình bị bạn đánh thì không chỉ thầy giáo này liên tục bị gọi lên viết bản tường trình mà ngay cả em học sinh cũng bị nhà trường gây áp lực dẫn đến phải nghỉ học…

Dù không thể khẳng định tất cả những vụ việc tố cáo sai phạm đều đúng, nhưng rõ ràng việc xử lý người tố cáo bằng cách gây khó khăn cho người tố cáo trong công việc như những vụ việc nêu trên là không thể chấp nhận được.

Đấy mới chỉ là những sai phạm mang tính cục bộ, nói rộng hơn, với những sai phạm lớn nếu ai tố cáo cũng không được làm rõ đúng sai (chứ chưa nói đến bị trù dập) thì ai dám đứng lên chống tiêu cực. Thế nên xưa nay người ta cứ “mũ ni che tai” cho… lành, không dám đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực dù hiển hiện ngay trước mắt. Thế nên cái xấu, cái ác cứ thế mà lộng hành.