Một thuở đam mê Hạ Uy Cầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đàn Hawaii hay còn gọi Hạ Uy Cầm, không biết du nhập vào Việt Nam thời gian nào, nhưng đã được một số nghệ sĩ Hà Nội thế kỷ trước tiếp cận nhạc cụ này và trở thành nổi tiếng như nghệ sĩ Wianam Chấn, Đoàn Chuẩn, Thiên Tơ, Nguyễn Văn Khánh và Đỗ Liên.
Nhóm nhạc Hawaii biểu diễn phố đi bộ

Nhóm nhạc Hawaii biểu diễn phố đi bộ

Say đắm tiếng đàn Hawaii quyến rũ

Từ âm thanh quyến rũ lòng người, làm say đắm biết bao con tim chàng trai cô gái Hà thành…, nhạc cụ Hawaii ngày một phát triển rộng và các lớp nhạc do các thầy Đoàn Chuẩn, Thiện Tơ, Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Liên thu hút nhiều học sinh tìm đến học.

Câu lạc bộ (CLB) Thăng Long Hà Nội là cái nôi của những người đam mê nhạc cụ Hawaii. Trong số những thành viên CLB đa phần là học trò của các nghệ sĩ nổi tiếng từ những thập niên 60-70 thế kỷ trước, giờ đây khi tuổi đã cao, họ hội tụ những thành viên còn say đắm tiếng đàn Hawaii quyến rũ, ký ức một thời tuổi trẻ, đến với nhau giao lưu qua những buổi hòa nhạc và hình thành CLB sinh hoạt thường xuyên.

Nghệ sĩ Trịnh Duyên, Chủ nhiệm CLB Hawaii Thăng Long chia sẻ: “CLB thành lập từ năm 2010, ban đầu mấy anh em chơi đàn thường giao lưu qua tiếng đàn, bản nhạc gồm có nghệ sĩ Trần Qúy, Nguyễn Đình Thanh và tôi, nhóm này đều là học sinh lâu năm do thầy Đoàn Chuẩn dạy tại nhà riêng phố Cao Bá Quát - Ba Đình Hà Nội và cũng là trong số học sinh giỏi của nghệ sĩ Đoàn Chuẩn những năm 60-70. Còn tôi lại học thầy Đỗ Liên phố Hàng Bạc - Hoàn Kiếm. Nhớ lại những buổi ban đầu đi bộ qua nhiều con phố để đến với lớp học, ngày nắng, ngày mưa không bỏ buổi nào, một thầy một trò với chiếc đàn guitar gỗ, tôi say sưa đánh theo nhịp điệu bài dạy của thầy và ngày một tiến bộ qua tiếng đàn. Sau này tôi đã tự sắm cây đàn điện Hawaii và trở thành người bạn theo tôi suốt hơn nửa thế kỷ”.

Quay trở lại CLB Hawaii Thăng Long - nhóm chơi nhạc chúng tôi hình thành ban đầu cũng chỉ là đến với nhau mỗi người “biểu diễn” một hai bài tủ, sau dần thu hút số anh em cũng chơi thứ nhạc cụ này từ nhiều nơi hội tụ rồi thành lập câu lạc bộ lấy tên: CLB Hawaii Thăng Long Hà Nội. Địa điểm sinh hoạt tại nhà riêng tôi - tòa nhà 34T phố Hoàng Đạo Thúy - Hà Nội. Tại đây, ngoài nhạc cụ đàn Hawaii còn có đàn organ, guitar, violin, Tam po đanh là phần đệm cho dàn nhạc. Ngày mới thành lập có khoảng từ 15 đến 20 thành viên, ngoài những nghệ sĩ nam còn có 7-8 người là phụ nữ, họ là diễn viên múa, hát chuyên nghiệp, nghiệp dư do đam mê bộ môn nghệ thuật đàn Hawaii tìm đến tham gia hát, múa phụ họa cho ban nhạc. Thành viên CLB đều là những người lớn tuổi đã nghỉ chế độ hưu trí. Trước đây, những nghệ sĩ này là kỹ sư, bộ đội, diễn viên sân khấu, công chức, công nhân trong nhà máy, xí nghiệp… nhưng đã có những năm tháng chơi đàn, hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp, nghiệp dư. Giờ đây họ tập hợp lại thành CLB mang tiếng đàn, lời ca đến với công chúng những người yêu thích môn nhạc cụ tài tử Hawaii. Với nòng cốt là những người chơi nhạc lâu năm, có trình độ, có kinh nghiệm bổ trợ cho số thành viên mới và soạn ra những bản nhạc để trong nhóm tập dượt chuẩn bị cho những lần đi biểu diễn.

Nghệ sĩ Trần Quý biểu diễn tại Nhà hát Lớn

Nghệ sĩ Trần Quý biểu diễn tại Nhà hát Lớn

Sau những ngày tháng tập luyện, CLB đã phát triển mạnh về chuyên môn, chất lượng tiếng đàn từng cá nhân ngày một nâng cao mang tính chuyên nghiệp rõ nét. Để chuẩn bị “mang chuông đi đánh nước người”, ban nhạc tập ngày tập đêm, phối khí cho từng nhạc cụ. Trong ban nhạc nổi bật là nghệ sĩ Trần Qúy , anh là tay đàn điêu luyện với cây đàn Hawaii gắn bó từ nhiều thập kỷ, từ khi còn tham gia Ban văn nghệ Sở Quản lý phân phối điện Hà Nội (1963- 1966), đã biểu diễn hội diễn thành phố Hà Nội và giành được nhiều giải thưởng.

Đam mê mang tiếng đàn, lời ca phục vụ công chúng

Gần đây nhất, CLB vinh dự có một thành viên là nghệ sĩ Trần Qúy được mời tham gia biểu diễn Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (26-9-2013), ngoài ra anh còn biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ trong đêm nhạc Văn Vương (năm 2018), tiếng đàn Hawaii của nghệ sĩ Trần Quý có sức hút người nghe bằng những tràng pháo tay không ngớt. Bà Hoàng Lệ Thu, năm nay ngoài 80 tuổi, cựu giáo viên Hà Nội. Sau đêm diễn của nghệ sĩ Văn Vượng và nghệ sĩ Trần Qúy tâm sự: “Đã lâu rồi đến hơn nửa thế kỷ tôi mới lại được nghe tiếng đàn Hawaii réo rắt, quyến rũ lòng người. Ở tuổi thanh xuân, đã đôi lần tôi được xem các nghệ sĩ ban nhạc Tuổi trẻ biểu diễn trước giờ chiếu phim trong đó có nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Đỗ Liên, đêm nay tôi được thưởng thức thứ âm thanh mang nhiều kỷ niệm, ký ức một thời”… Hiện nay, nghệ sĩ Trần Qúy là Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.

Sau nhiều năm sinh hoạt, luyện tập, CLB Hawaii Thăng Long đã tham gia biểu diễn phục vụ công chúng ngoài trời khu phố ẩm thực như phố cổ Mã Mây, Đào Duy Từ, ngã 3 phố Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến. Những lần biểu diễn của ban nhạc thu hút nhiều khán giả đến nghe cổ vũ. Tiếng đàn Hawaii réo rắt vang xa đã đưa nhiều du khách du lịch nước ngoài tìm đến để thưởng thức và họ rất thích thú tiếng đàn các nghệ sĩ biểu diễn trong không khí vui tươi, lành mạnh tràn đầy ánh sáng đèn, hoa của những con phố cổ Hà Nội đẹp, thanh bình.

Kỷ niệm nhớ nhất đêm biểu diễn khu vực hồ Hoàn Kiếm - sân khấu ngoài trời vào tối chủ nhật - người dân Hà Nội đi chơi tập trung đông ngay trước giờ biểu diễn, mọi người háo hức chờ đợi ban nhạc Hawaii Thăng Long trình diễn. Đêm đó, chúng tôi những người trong ban nhạc thể hiện hết tài năng qua từng tiếng đàn, lời ca, điệu múa phục vụ khán giả ưa thích nhạc cụ mà ít người biết đến… Niềm vui lớn của các thành viên ban nhạc là sau đêm diễn được một đài truyền hình tìm đến phỏng vấn đưa tin.

Khán giả tặng hoa nghệ sĩ Văn Vượng, Nhà hát Tuổi trẻ

Khán giả tặng hoa nghệ sĩ Văn Vượng, Nhà hát Tuổi trẻ

Nghệ sĩ Trinh Duyên - Chủ nhiệm Câu lạc bộ tâm sự: “Từ khi thành lập CLB Hawaii Thăng Long, nhìn chung các thành viên đều lớn tuổi rất hào hứng sinh hoạt, tỏ ra phấn khởi trong những buổi tập dượt, ngoài thời gian bên cây đàn, lời ca tiếng hát, các bác lại tụ nhau bên ấm trà , tách cà phê chuyện trò, tâm sự… ôn lại kỷ niệm, ký ức tuổi trẻ, những năm công tác, cống hiến cho xã hội… và họ đều xác định: “Tuổi già nhưng chí không già” , còn in đậm trong mỗi thành viên và giờ vẫn đam mê mang tiếng đàn, lời ca phục vụ công chúng…