- Tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc
- Chiếu miễn phí "Những người viết huyền thoại"
- Còn có một con đường Trường Sơn của thông tin liên lạc
Năm 1964, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bắt đầu. Vào năm học lớp 2 khi tôi được 9 tuổi tức là đầu năm 1965 tôi rời trường cấp I Trần Nhật Duật về quê sơ tán. Bấy giờ có nhiều dạng sơ tán. Theo cơ quan bố mẹ, về quê theo cá nhân và sơ tán theo trường.
Trường hợp theo trường phải là lớp của các anh chị lớn. Mới lớp 2 bé tí bé tẹo nhưng tôi đã nghịch nổi tiếng. Trường Trần Nhật Duật ở phố cũng mang tên này sát bờ sông. Dù vậy nhưng thật lạ lùng ký ức của tôi về ngôi trường không nhiều. Ba anh em tôi được bố mẹ đưa về quê ở Hà Nam ở với bà ngoại. Đây thực sự là bước ngoặt tác động rất lớn đến cuộc đời tôi sau này.
Đó là những năm tháng phải sống xa bố mẹ trong khi bà ngoại thì hiền lành chân chất và là một nông dân cả đời không bước chân ra khỏi lũy tre làng, thế nên tôi gần như được thả lỏng sống hoang dã chẳng phải chịu bất cứ sự kiềm tỏa hay giáo dục nào, ngoại trừ các thầy cô ở trường. Thật may, quãng năm tháng đó với những bài học lớn về nông thôn đã găm vào trí não những đứa trẻ thành phố bao nhiêu điều lạ lẫm và lý thú, điều mà chúng sẽ chẳng bao giờ biết nếu không phải đi sơ tán vì có chiến tranh.
Tôi học một lèo từ dở lớp 2 đến gần hết lớp 6 ở trường làng. Dạo đó học ở Hà Nội nhàn nhã không như bây giờ nhồi nhét đủ thứ kiến thức. Ngày chỉ học một buổi, còn lại là chơi bời đá bóng, đá cầu, chơi khăng, chơi đáo. Học ở quê còn nhàn nữa. Hầu như cứ học ở trường về là tôi vứt cặp sách vở đấy chẳng bao giờ ngó ngàng cho đến buổi học sau. Hãn hữu mới có bài tập về nhà cũng chỉ nhoáy phát là xong.
Thời gian quá nhiều cho tôi thỏa mãn khao khát tìm hiểu của mình. Mấy trò chăn trâu cắt cỏ bọn bạn học ở làng đương nhiên phải làm. Còn cánh sơ tán chúng tôi vừa không phải làm cũng chẳng thích thú gì món đó. Chơi bời cưỡi trâu cho phi lồng lên giữa đồng chỉ vài buổi là chán. Tôi có những đam mê khác là một mình hì hụi ngoài đồng cả buổi để bắt cua, cá.
Chẳng ai ngờ một thằng bé thành phố mươi tuổi là tôi lại rất giỏi nghề thu hoạch sản vật của đồng ruộng và biết quy đổi ra tiền. Tôi kiếm cua cá về bán lại cho bà ngoại để lấy tiền đánh đáo và ăn quà. Mà dạo ấy chỗ nào cũng đặc cá chỉ cần be bờ tát cạn là bắt thoải mái. Cua cũng nhiều, hang cua đùn chi chít bờ ruộng, bắt một lúc được cả giỏ.
Làng quê ngoại của tôi đận ấy có đến gần chục đứa Hà Nội về sơ tán. Cánh Hà Nội tụ lại với nhau thế là cũng chia bè kéo cánh lúc trận giả ngoài sân đình, sân chùa, lúc trận thật bươu đầu mẻ trán. Dân làng hay phân biệt trẻ thành phố với trẻ quê vì những trò nghịch ngợm của chúng tôi nhưng thầy cô giáo thì lại thích. Chẳng hiểu sao lứa ấy, đám trẻ phố về sơ tán ở làng tôi tinh đứa học giỏi.
Tôi ngoài cái món ham đọc sách còn thì dốt nhất bọn. Mỗi kỳ thi học sinh giỏi trẻ sơ tán luôn được tham gia và ẵm không ít giải. Thời gian trôi đi, khi đến lớp 6 thì tôi đã đen trùi trũi và chẳng còn gì để phân biệt phố với làng nữa. Năm 1969, chiến tranh phá hoại tạm dừng, có lệnh cho trẻ về Hà Nội nhập học. Chúng tôi lục tục quay lại thành phố.
5 năm sơ tán đã khiến tôi trở nên bỡ ngỡ như một đứa trẻ làng về phố. Lúc đi sơ tán mới 9 tuổi còn quá nhỏ giờ về đã trống choai vỡ giọng. Suốt mấy năm sơ tán tôi chỉ được về Hà Nội có vài lần, trong đó có một lần nhớ nhà quá tự đi dọc đường tàu hỏa mò về nhà để ăn một trận đòn nhớ đời và sáng sau bị trục xuất quay trở lại quê bằng xe khách.
Trở về Hà Nội đang dở năm học lớp 6 và không hiểu sao tôi lại bị phân về trường cấp 2 Nhật Tân. Sau thì mang máng biết là các trường nội thành Hà Nội chưa nhận học sinh nhập học. Nhà tôi ở ngoài bờ sông nên việc đi học ở tận Nhật Tân là một sự cách rách vô chừng. Có xe đạp nhưng không được đi vì xa phải đi xe buýt. Tôi nhớ mãi không bao giờ quên những buổi sáng dậy sớm đi bộ đến bến xe buýt ở phố Hàng Vôi.
Đi sớm nên không thể ăn sáng ở nhà. Phố Hàng Vôi lúc đó có một cửa hàng mậu dịch tôi không nhớ được số nhà. Mỗi bát mỳ hay phở “không người lái” giá tự do là 3 hào. “Không người lái” tức là suông chẳng có thịt đi kèm và tự do là không thu đổi tem phiếu lương thực.
Vậy mà ngon miệng đả đến vèo hết tiệt tận đáy bát. Không mỳ hay phở nước thì đổi tem 225 gam kèm 1 hào lấy chiếc bánh mỳ to vật vã. Bánh mỳ dạo đó ngon tuyệt vời và ăn no chứ không èo uột như bánh mỳ bây giờ. Cái sự học tạm ở trường ngoại thành này kéo không dài. Học ở Nhật Tân lúc đó cũng chẳng khác gì ở quê Hà Nam. Khác chăng là có rất nhiều học sinh nội thành vừa sơ tán ở các vùng quê về. Chỉ sau đó ít lâu tôi được nhập học ở trường cấp II Nguyễn Huệ gần sát ngay nhà.
Mất không ít thời gian để một thằng bé quen nếp sống tự do hoang dã ở nông thôn trở lại khuôn phép gia đình và những gì thuộc về thành phố. Nhưng với tôi, chẳng bao giờ có thể quên được những năm tháng sơ tán đó. Những bài học về nông thôn đã ngấm vào cốt tủy là hành trang cho tôi suốt chặng đường đời sau này. Vốn liếng quý giá về nông thôn giúp tôi có được những sáng tác về mảng đề tài này trong cả văn học lẫn điện ảnh truyền hình. Một thời sơ tán, không chỉ là ký ức, đó thực sự là lòng biết ơn của tôi khi nhắc đến đoạn đường đời đáng nhớ này.
Đà Nẵng, 22-7-2016