Một thách thức với thế giới

ANTĐ - Được sử dụng nước sạch – nhu cầu tưởng như rất bình thường với mỗi con người hóa ra vẫn đang là thách thức với thế giới hiện nay.

Một khu ổ chuột thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh ở Ấn Độ

Nhân Ngày Nước thế giới (22-3), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết có tới 768 triệu người trên thế giới không được sử dụng nước sạch. Phần lớn trong số này là những người nghèo và sống tại các khu vực nông thôn thuộc vùng xa xôi hẻo lánh hoặc các khu nhà ổ chuột tại những đô thị. 10 nước chiếm 2/3 dân số toàn cầu không được tiếp cận đầy đủ với các nguồn nước sạch bao gồm Ấn Độ, Nigieria, Ethiopia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Bangladesh, Tanzania, Kenya và Pakistan.

Cách đây 21 năm, LHQ chọn ngày 22-3 làm Ngày Nước thế giới và từ đó đến nay ngày này vẫn được duy trì. Năm 2010, Đại hội đồng LHQ còn chọn năm 2013 là năm quốc tế về hợp tác nước sạch, đồng thời kêu gọi các nước thành viên đảm bảo chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 phải giải quyết được tình trạng bất bình đẳng đang cản trở hàng triệu người tiếp cận các dịch vụ cơ bản, trước hết là nguồn nước sạch và vệ sinh công cộng. 

Thế nhưng theo cảnh báo được đưa ra trong một nghiên cứu khoa học do Viện Khoa học quốc gia Mỹ công bố đầu năm ngoái, đến năm 2050, vẫn có hơn một tỷ người sống tại các thành phố lớn trên thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu cùng quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, trong vòng 40 năm tới, sẽ có khoảng 993 triệu cư dân thành phố phải sống tằn tiện với lượng nước sinh hoạt chưa đến 100 lít nước/người/ngày, trong khi một người trung bình sử dụng khoảng gần 400 lít nước mỗi ngày. 

Nước sạch và điều kiện vệ sinh là 2 nhân tố sống còn để nâng cao sức khoẻ con người và phát triển. Hơn 10% trong tổng số các bệnh hiện nay trên thế giới vẫn gắn với nguồn nước bẩn và các điều kiện vệ sinh của con người. Những đánh giá của UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố hồi năm ngoái cho thấy mỗi ngày có 1.400 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh về tiêu chảy liên quan tới tình trạng thiếu nước sạch và các hệ thống bảo vệ sức khỏe và vệ sinh. 

Được sử dụng nước sạch và các điều kiện vệ sinh là quyền cơ bản của con người vì các quyền này không chỉ đảm bảo cho con người được sống trong phẩm giá và tự do mà còn thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói nghèo, tăng cường sức khoẻ trẻ em và chống bệnh tật. UNICEF nhấn mạnh: “Mọi trẻ em dù nghèo hay giàu đều có quyền được sống, được bảo vệ sức khỏe và có tương lai. Thế giới cần quan tâm đến mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, được tiếp cận nước sạch, hệ thống bảo vệ sức khỏe và vệ sinh”.

Mục tiêu đó chỉ có thể được thực hiện khi có nỗ lực toàn cầu trên các lĩnh vực từ tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng nguồn nước, đến cải thiện hệ thống vệ sinh toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong khi nhiều nước đã đưa quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh vào hiến pháp và luật pháp, thì nhiều nước khác vẫn chậm trễ trong nỗ lực bảo đảm cho người dân được hưởng các quyền con người này trên thực tế. Thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm với mục tiêu “nước sạch cho con người”.