Một số nước cấm đoán, hạn chế phát hành Pokemon Go

ANTD.VN - Trò chơi điện tử Pokemon Go đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nó được các game thủ tải về đầu tiên ở Mỹ, Australia và New Zealand ngày 6-7, trong khi ở châu Á, Pokemon Go xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản và Hồng Kông (nhưng chưa chính thức có mặt tại Trung Quốc đại lục). Dù “gây sốt” trong giới trẻ nhưng trò chơi này gặp phải không ít rào cản phát hành tại một số quốc gia. 

Một số nước cấm đoán, hạn chế phát hành Pokemon Go ảnh 1

Pokemon Go được game thủ Nhật Bản chơi tại một trung tâm thương mại ở Tokyo hôm 22-7

Cấm hoàn toàn vì lý do an ninh

Pokemon Go sử dụng công nghệ tương tác ảo vì thế mỗi người chơi cần có một thiết bị di động thông minh, kết nối mạng và phải bật tính năng định vị vệ tinh để bắt được các con vật hoạt hình hiển thị trên hình ảnh thực tế theo thời gian thực. Trò chơi này trở thành một hiện tượng toàn cầu kể từ khi ra mắt.

Như những người yêu thích công nghệ trên toàn thế giới, lớp trẻ Iran cũng nhanh chóng chấp nhận trò chơi này. Tuy nhiên, hôm 8-8, Chính phủ Iran đã cấm hoàn toàn trò Pokemon Go, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm tiếp cận game này vì lý do an ninh. “Bất kỳ trò chơi điện tử nào muốn hoạt động ở Iran đều phải được sự cho phép từ Bộ Văn hóa và hướng dẫn Hồi giáo của nước này. Ứng dụng Pokemon Go vẫn chưa đề nghị với giới chức một sự cho phép như vậy” - hãng tin nhà nước Iran ISNA dẫn lời Abolhasan Firouzabadi, người đứng đầu Hội đồng Tối cao về không gian ảo của Iran cho biết.

Ông Abdolsamad Khorramabadi - một quan chức tư pháp cao cấp khác, từng cho rằng trò chơi này đặt việc kiểm soát an ninh vào tình thế khó xử và cơ quan tình báo nước này đã ủng hộ lệnh cấm. “Có rất nhiều vấn đề giữa trò chơi đó và hệ thống an ninh, nó có thể gây ra nhiều vấn đề cho đất nước và người dân của chúng ta” - Tasnim, một hãng thông tấn khác của Iran dẫn lời ông Khorramabadi.

Ra quy định hạn chế săn thú ảo

Ngoài Iran, một số quốc gia khác đã cấm một vài lực lượng nhất định hoặc cấm chơi Pokemon Go trong khoảng thời gian nhất định. 

Cuối tuần qua, ông Somchai Srisutthiyakorn  - một thành viên Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã yêu cầu người chơi Pokemon Go không được tới gần các điểm bỏ phiếu để trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới. Theo ông này, bước vào bên trong điểm bỏ phiếu để bắt các nhân vật Pokemon là phạm pháp.

Trước đó, cuối tháng 7, giới chức Indonesia đã thông báo, nhân viên thuộc lực lượng cảnh sát và quân đội bị cấm chơi trò Pokemon Go lúc làm nhiệm vụ và công chức không được chơi trò này ở nơi công sở. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cảnh báo, trò chơi trên điện thoại thông minh này là một mối đe dọa an ninh. Cùng thời điểm với lệnh cấm này, dinh Tổng thống Indonesia ở Jakarta cũng cấm chơi các trò điện tử phổ biến quanh khu vực cung điện, với thông báo “chơi hay săn Pokemon bị cấm trong khu vực dinh thự”.

Tuy là trò chơi đang “làm mưa làm gió” trong cộng đồng công nghệ, nhưng không phải ở quốc gia nào Pokemon Go cũng được chào đón nồng nhiệt. Sau khi chính thức xuất hiện tại Malaysia từ ngày 6-8, trò chơi này đã gặp nhiều lo ngại từ giới chức. Bộ trưởng Truyền thông và đa phương tiện Malaysia Salleh Said Keruak cho biết, Malaysia không phản đối hay cấm đoán Pokemon Go. Nhưng, các nhà lãnh đạo Hồi giáo Malaysia khuyến nghị người dân không nên chơi.

Bỏ ngỏ ngày phát hành tại một số nước

Dù đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng thời gian Pokemon Go được phát hành ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và một số quốc gia châu Á khác vẫn còn “trong bóng tối”.

Theo trang Ibtimes, trò chơi này có thể không bao giờ được thấy “ánh sáng” ở Hàn Quốc - một trong những thị trường game lớn nhất toàn cầu do chính quyền địa phương chưa thống nhất về việc sử dụng dữ liệu bản đồ chưa kiểm duyệt từ nước ngoài.

Các nhà phát triển trò chơi này cũng không giải thích vì sao nó chưa được phát hành tại Ấn Độ và Trung Quốc. Trang Ibtimes bình luận, có lẽ nhà phát triển Pokemon Go đang trì hoãn việc ra mắt nó ở 2 quốc gia này, nhằm tránh tình trạng quá tải có thể xảy ra do đây là những quốc gia có lượng game thủ lớn.

Tuy nhiên, theo một bài viết trên Reuters vào tháng 7 vừa qua, một số người ở Trung Quốc đang lo ngại rằng, Pokemon Go có thể trở thành “con ngựa Trojan” mà Mỹ và Nhật Bản sáng tạo ra. “Đừng chơi Pokemon Go” - một cư dân mạng có nick name Pitaorenzhe kêu gọi trên Weibo với lý do “nó có thể giúp Mỹ và Nhật Bản tìm ra các căn cứ bí mật của Trung Quốc”. Trong khi đó, ông John Hanke, Giám đốc điều hành Niantic, công ty phát triển Pokemon Go đã trả lời Forbes rằng, hoàn toàn có thể cung cấp game này cho người chơi Trung Quốc, nhưng trở ngại thực sự đến từ những quy định mà Bắc Kinh ban hành.

Hồi tháng 2 năm nay, văn bản chung của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc và Tổng cục Nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đã nêu rõ, các công ty có vốn nước ngoài, gồm cả những công ty liên doanh với các tổ chức Trung Quốc, sẽ không được phép đăng thông tin trên mạng Internet của Trung Quốc từ ngày 10-3-2016. Quy định mới liên quan đến tất cả các bài đăng và các sản phẩm trực tuyến nhằm vào thị trường đại chúng, gồm “văn bản, hình ảnh, bản đồ, trò chơi, hoạt hình, phát thanh và video”.

Công ty phát triển trò chơi Pokemon Go đã hy vọng, game này sẽ được phát hành trên khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, với những rào cản xuất hiện tại một số quốc gia trên, chưa chắc chắn rằng trò chơi này đạt được mức độ phủ sóng rộng lớn như mong muốn.