Một chủ trương đáp ứng nhu cầu thực tế của cơ sở

QĐND - Theo Đề án 799 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2013, Bộ Quốc phòng giao Trường Đại học Trần Quốc Tuấn và Trường Đại học Nguyễn Huệ chủ trì tổ chức liên kết với các trường quân sự quân khu và Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo hình thức giáo dục thường xuyên, liên thông vừa làm, vừa học.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, hướng dẫn các quân khu, địa phương trên cả nước tuyển sinh đào tạo hơn 20.000 chỉ huy trưởng quân sự cấp xã trình độ trung cấp, trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở (QSCS). Đến nay đã có 99% số cán bộ được bố trí sử dụng sau đào tạo, trong đó gần 3000 cán bộ đảm nhiệm ở vị trí cao hơn trong hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã phải được đào tạo trình độ chuyên môn cao hơn để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 25-5-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ Ban CHQS cấp xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành QSCS đến năm 2020 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Đề án 799). Thực tế triển khai đào tạo thí điểm tại Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, Trường Đại học Nguyễn Huệ và liên kết với Trường Quân sự các Quân khu 1, 2 cho thấy, Đề án 799 phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Cán bộ quân sự cấp xã thực hành bắn đạn thật tại Hội thi tìm hiểu pháp luật DQTV và công tác DQTV năm 2011 do Quân khu 3 tổ chức.

Cán bộ quân sự cấp xã thực hành bắn đạn thật tại Hội thi tìm hiểu pháp luật DQTV và công tác DQTV năm 2011 do Quân khu 3 tổ chức.

Việc tổ chức liên kết đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành QSCS theo hình thức giáo dục thường xuyên liên thông vừa làm, vừa học bắt đầu thực hiện từ năm 2013. Đến nay, công tác chuẩn bị cho hình thức đào tạo này đã được triển khai đồng bộ, chặt chẽ. Đại tá Nguyễn Mạnh Khuê, Phó cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (DQTV), Bộ Tổng tham mưu cho biết: “Đây là nhiệm vụ mới, nên từ đầu năm 2012, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Đề án 799 đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đơn vị, nhà trường tổ chức xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, từng bước xây dựng văn bản hướng dẫn, quy định… sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ địa phương. Đây là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan; Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, Trường Đại học Nguyễn Huệ, trường quân sự các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trường quân sự cấp tỉnh chủ động làm công tác chuẩn bị”.

Theo nhiệm vụ được giao, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn chủ trì liên kết đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở với Trường Quân sự các Quân khu 1, 2, 3, 4, Trường quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các trường quân sự cấp tỉnh có đủ điều kiện. Trường Đại học Nguyễn Huệ, chủ trì liên kết đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành QSCS với Trường Quân sự các Quân khu 5, 7, 9 và các trường quân sự cấp tỉnh có đủ điều kiện.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Vang, Trưởng phòng Huấn luyện, Cục DQTV, đối tượng đào tạo là cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã trình độ chuyên nghiệp ngành QSCS hoặc cao đẳng QSCS có nhu cầu đào tạo trình độ cao đẳng, đại học. Đối với đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp ngành QSCS lên cao đẳng, hoặc từ cao đẳng lên đại học ngành QSCS, học viên tốt nghiệp đạt loại khá trở lên được xét tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; nếu tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất một năm công tác và vẫn trong quy hoạch nguồn cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã. Đào tạo liên thông vừa làm vừa học đối với trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ cao đẳng, đại học ngành QSCS thì học viên phải trong độ tuổi từ trên 24 đến 45. Thời gian đào tạo liên thông vừa làm vừa học từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ cao đẳng ngành QSCS là 24 tháng; liên thông từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học QSCS 24 tháng; mỗi năm tổ chức tập trung ít nhất 2 kỳ, mỗi kỳ từ 2 đến 3 tháng.

Nội dung, chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên vừa làm, vừa học trình độ cao đẳng, đại học ngành QSCS có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy QSCS cùng trình độ đào tạo. Về bảo đảm quyền lợi của học viên, trong Đề án 799 nêu rõ: “Cán bộ Ban CHQS cấp xã trong thời gian đào tạo được tính là thời gian công tác liên tục, được hưởng nguyên lương và chế độ phụ cấp do ngân sách địa phương bảo đảm. Học viên hưởng chế độ phụ cấp chưa bằng 0, 5 mức lương tối thiểu chung của cán bộ công chức thì được hỗ trợ phụ cấp bằng 0,5%. Quá trình đào tạo, học viên được hỗ trợ tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ bộ binh; được hưởng tiền ăn thêm ngày lễ, Tết, tiền bảo hiểm xã hội; được bảo đảm trang phục DQTV, nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền đi tàu xe 1 lần /năm”.

Phù hợp thực tiễn cơ sở

Đào tạo ngành QSCS trình độ cao đẳng, đại học là đào tạo theo địa chỉ, cơ bản bằng nguồn ngân sách của địa phương kết hợp ngân sách Trung ương. Theo Đề án 799, đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành QSCS từ năm 2011 trở đi là tiêu chí bắt buộc để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ Ban CHQS cấp xã. Học viên sau khi tốt nghiệp, nếu có đủ điều kiện theo quy định thì được phong quân hàm sĩ quan dự bị, bố trí sử dụng tại cơ sở cử đi đào tạo. Riêng học viên đào tạo liên thông, sau khi tốt nghiệp được bố trí sử dụng từ chức danh trước khi đi đào tạo trở lên. Do yêu cầu công tác, nếu đảm nhiệm chức danh cán bộ Ban CHQS xã khác trong huyện, hoặc tỉnh thì cơ quan chức năng phải báo cáo Chủ tịch UBND huyện, tỉnh ra quyết định. Cùng với quy định rõ về khen thưởng, kỷ luật, Đề án 799 quy định cụ thể việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo trong trường hợp học viên bị kỷ luật buộc thôi học, tự thôi học không có lý do chính đáng; không chấp hành sự phân công của cấp có thẩm quyền; bị kỷ luật không được phân công công tác sau khi tốt nghiệp, hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.

Nhiều cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã chúng tôi có dịp trao đổi cho biết: Hình thức vừa làm, vừa học là phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã, vì khi đi học, cán bộ vẫn được giữ các chức vụ chính và kiêm nhiệm ở địa phương, đồng thời giúp các cán bộ đi học vận dụng hiệu quả lý thuyết được trang bị ở trường vào thực tế công tác tại địa phương.

Đại tá Nguyễn Mạnh Khuê, cho rằng: Thời gian chuẩn bị cho đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành QSCS theo hình thức giáo dục thường xuyên, liên thông vừa làm, vừa học từ năm 2013 không còn nhiều, do vậy UBND cấp tỉnh phải nhanh chóng hoàn thiện đề án, kế hoạch, quy hoạch đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, tuyển chọn cán bộ đi đào tạo chặt chẽ, chú trọng tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, phẩm chất và năng lực. Các trường cần làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn; tổ chức điều chỉnh, sắp xếp cán bộ giáo viên, hình thành các khoa (tổ bộ môn), khung quản lý học viên phù hợp. Cần điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình, từng bước củng cố, xây dựng bãi tập, giảng đường đáp ứng yêu cầu đào tạo. Cùng với chỉ đạo các nhà trường, địa phương làm tốt công tác chuẩn bị triển khai đào tạo ngành QSCS hình thức vừa làm vừa học, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Trường Đại học Trần Quốc Tuấn và Trường Đại học Nguyễn Huệ khẩn trương xây dựng hồ sơ liên kết đào tạo, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Bài và ảnh: Lê Duy Hồng