Moscow cáo buộc Washington “bắt cóc” con trai Nghị sĩ quốc hội Nga

ANTĐ - Ngày 9-7, Nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Valery Seleznev thông báo với Hãng tin Nga "Interfax" là các đại diện Nga vẫn chưa tiếp xúc được với con trai ông, bị chính quyền Mỹ bắt giữ ở Maldives.

Phát biểu với hãng thông tấn ITAR-TASS hôm 8-7, ông Seleznyov bức xúc cho biết: “Vụ bắt cóc là một tội ác. Moscow phải bảo vệ công dân của mình và Roman cần trở về Nga”. Hiện vị Nghị sĩ này đang làm việc với Bộ Ngoại giao Nga để làm mọi cách đưa con trai ông trở về Nga.

Nhà lập pháp của Duma Quốc gia Nga hết sức phẫn nộ vì Mỹ “bắt cóc” một người tại Maldives nhưng không hề nêu lý do. Ông Seleznyov nhấn mạnh: “Nếu Mỹ có bằng chứng cụ thể, họ nên đưa vụ việc ra tòa án Maldives. Nhưng họ lại đưa con trai tôi là Roman Seleznyov về Mỹ”.

Nghị sĩ Nga không loại trừ rằng người ta sẽ buộc con trai ông "cung khai và thừa nhận gì đó, và chính vì vậy mà anh này bị giam giữ trong nhà tù tồi tệ nhất ở Guam và không được phép gọi điện thoại cho bất kỳ ai", đồng thời không có nhân viên lãnh sự và luật sư nào được tiếp cận nhà tù đang giam giữ Roman trên đảo Guam.

Ông cho biết, con trai mình là một người khuyết tật và cần điều trị y tế và thuốc men. “Tôi sợ rằng nó sẽ phải thừa nhận cả tội giết cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy" - ông Seleznyov chỉ trích và không loại trừ yếu tố con trai ông bị bắt cóc để trao đổi với cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, người đang tị nạn ở Nga hồi năm ngoái.

Moscow cáo buộc Washington “bắt cóc” con trai Nghị sĩ quốc hội Nga  ảnh 1

Doanh nhân Nga Viktor Bout bị cơ quan pháp luật Mỹ bắt giữ


Ngày 8-7, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận họ đã yêu cầu Maldives bắt giữ Roman rồi dẫn độ về Guam theo quy định luật pháp riêng của mình. Tuy nhiên, người phát ngôn từ chối bình luận chi tiết. Hãng tin Nga ITAR-TASS cho biết, Roman đã ra tòa ở Guam hôm 8-7 và phiên tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 22-7.

Roman Seleznyov bị mật vụ Mỹ bắt giữ vì tình nghi xâm nhập vào hệ thống máy tính ở Mỹ để ăn cắp dữ liệu thẻ tín dụng. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Roman bị bắt giữ trái với ý muốn và buộc phải lên một máy bay hàng không tư nhân của mật vụ Mỹ tới đảo Guam.

Theo phía Moscow, điều này trái với thỏa thuận hỗ trợ trong các vụ án hình sự mà 2 bên ký kết năm 1999 và chỉ trích “hành động thiếu thân thiện của Washington”, đồng thời so sánh các trường hợp mật vụ Mỹ bắt cóc công dân Nga từ nước thứ ba rồi dẫn độ về Mỹ.

Ngày 9-7 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Konstantin Dolgov đã cảnh báo, những công dân Moscow có khả năng đang dính lệnh truy nã của Washington phải cẩn thận khi đi du lịch ở nước ngoài.

Moscow cáo buộc Washington “bắt cóc” con trai Nghị sĩ quốc hội Nga  ảnh 2

Phi công Nga Konstantin Yaroshenko và chiếc máy bay bị bắt giữ


Bộ Ngoại giao Nga sẽ thi hành mọi động thái có thể để tình hình với vụ bắt giữ Roman Seleznev không tiếp diễn theo kịch bản Mỹ kết án phi công Nga Konstantin Yaroshenko và doanh nhân Nga Viktor Bout.

Konstantin Yaroshenko là cựu phi công quân đội Nga, bắt đầu nghề lái máy bay tư nhân ở nước ngoài sau khi Liên Xô tan rã. Cơ quan pháp luật Mỹ cho biết, vào mùa xuân năm 2010, Yaroshenko đã chở 4 tấn cocaine từ Venezuela đến Liberia rồi sau đó đến Ghana, trước khi vận chuyển vào Mỹ, châu Âu và đã nhận số tiền công khoảng 6 triệu USD.

Ông này bị bắt giữ tại Libya vào mùa hè năm 2010, nhưng đến tận tháng 4-2011 phía Mỹ mới công khai thông tin về vụ bắt giữ này. Ngày 7/9/2011, thẩm phán liên bang Hoa Kỳ Jed Rakoff tuyên án Konstantin Yaroshenko 20 năm tù giam vì tội buôn ma túy vào Mỹ và châu Âu.

Vào tháng 4-2012, Tòa án liên bang quận phía Nam của thành phố New York đã kết án doanh nhân Nga Viktor Bout, 25 năm tù giam với tội danh buôn lậu vũ khí bất hợp pháp. Bản thân ông Victor Bout không thừa nhận tội của mình và luật sư của ông này cũng đề nghị toà huỷ bỏ lời buộc tội và thả tự do cho thân chủ của mình.

Các vụ bắt giữ trên đã gây rất nhiều căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga. Moscow đã phản ứng dữ dội khi coi những lời buộc tội của Washington là vô căn cứ và việc xét xử của tòa án nước này có động cơ chính trị, áp đặt ác ý lên công dân Nga.