Mối nhân duyên của trái tim

ANTĐ - Sẽ theo chúng tôi suốt cuộc đời là những cặp mắt ấy. Trong cơn cùng quẫn của đời mình, họ đã nhận được những vòng tay chia sẻ, vỗ về. Những vòng tay dù chưa đủ rộng, nhưng ít nhất nó cũng như một sợi dây kéo họ ra khỏi miệng vực sâu thăm thẳm. 

Mẹ con chị Quý hiện giờ vẫn rất khó khăn

Những nhân vật của tôi

Trong tất cả những cảnh đời mà bạn đọc đã cùng Báo An ninh Thủ đô ghé qua căn nhà của họ, không hiểu sao có những số phận mà mỗi khi đối mặt với trang giấy, trong tôi luôn dấy lên một cảm giác bồi hồi. Đó là chị Nguyễn Thị Quý, ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nếu như mọi số phận khổ đau khác chúng tôi biết được đều thông qua con đường trực tiếp thì chị Quý đến với chúng tôi lại vô cùng đặc biệt: Thư giới thiệu. Một ông giáo già khi biết  hoàn cảnh khốn cùng của người phụ nữ bị liệt đang phải nuôi 4 miệng ăn này,  không cầm lòng được đã viết thư cho chúng tôi. Tôi gọi lá thư của ông giáo là lá thư “cứu mạng”, bởi ngay sau đó, chúng tôi đã về thăm căn nhà của chị, chứng kiếm tận mắt những đắng cay của người mẹ bất hạnh cùng 3 đứa con mới trứng gà, trứng vịt. Thực tế, cuộc sống của chị Quý còn khốn khổ gấp nhiều lần những gì ông giáo kể trong thư. Chiến dịch quyên góp sau đó của Báo An ninh Thủ đô đã mang tới cho chị Quý cuốn sổ tiết kiệm 50 triệu đồng. 
4 năm sau, hình ảnh chị Quý lê lết bòn mảnh vườn nhỏ phía sau nhà nuôi mấy đứa con vẫn không thôi ám ảnh. Chúng tôi lại về thăm chị, cũng là nhân đó tìm gặp lại những mảnh đời mà Báo An ninh Thủ đô đã từng giúp đỡ. Trời tối mịt, nhưng căn nhà của chị Quý vẫn không một ánh đèn. Ấy thế mà nghe tiếng tôi gọi, thằng cu Tú - con út chị Quý vẫn nhận ra giọng “người quen” hét toáng lên: “Chú Long, chú Long nhà báo mẹ ơi”. Gặp chúng tôi đến 10 phút sau mà chị Quý vẫn cứ ngây dại như không tin là sự thật. Chị hối lũ trẻ thắp đèn dầu để tiếp khách. Trời ạ! Đến bây giờ mà căn nhà ấy vẫn chưa biết đến ánh sáng đèn điện. Chị Quý ngượng nghịu bảo: “Lát nữa ăn cơm em mới thắp đèn dầu. Thế cho tiết kiệm”. Tôi gợi lại câu chuyện cũ, những tưởng cuộc sống của mẹ con chị bây giờ đã khá hơn. Ai dè, chị Quý ấp úng: “Số tiền các bác giúp ngày ấy vẫn nguyên xi. Em gửi tiết kiệm, hàng tháng rút lãi ra cho 2 đứa bé ăn học và dành một phần lo cho đứa lớn”.
Đứa lớn mà chị Quý nói chính là cháu Nguyễn Thị Hường, cô con cả vốn mắc bệnh bại não. Đã 18 năm nay, Hường đặt đâu ngồi đấy. Hóa ra, số tiền mà chúng tôi mang tới ngày nào cho đến tận bây giờ vẫn là nguồn sống chính cho cả cái đại gia đình 4 người ốm yếu và bệnh tật này. Rồi chị Quý vào buồng mang ra cuốn sổ tiết kiệm. Cuốn sổ bọc trong 3-4 lần giấy nilon, sau 4 năm nó vẫn sạch sẽ tinh tươm. Tôi nhìn người phụ nữ tội nghiệp đưa ngón tay mân mê theo nếp gấp như thể nâng niu và ơn nghĩa từng tấm lòng của bạn đọc đã góp tiền giúp mẹ con chị. 
Một nhân vật khác cũng ở Hà Nam: Bé Trần Xuân Tiên, ở thị trấn Ba Sao, Kim Bảng. Bé Tiên chưa thể tự nói câu cảm ơn nếu ông Trần Xuân Vỹ - ông ngoại không nhắc. Nhưng trong tôi chợt thấy ấm lại khi cô bé thốt lên câu nói “chú cho gấu” thay cho lời chào. Hóa ra, sau chừng ấy năm, bé vẫn nhớ đến con gấu bông tôi mang vào viện hôm bé phẫu thuật sau vụ tai nạn khủng khiếp tháng 3-2011. Sau gần 2 năm, ông Vỹ đã già đi nhiều. Có lẽ cú sốc vì cùng một lúc mất vợ và cháu ruột bị tàn phế bởi vụ tai nạn đã làm ông khó đứng vững. Chừng ấy thời gian lo nghĩ buồn phiền khiến ông mắc thêm một loạt bệnh tật. Sức khỏe suy giảm trông thấy. Ông bảo: “Số tiền mấy trăm triệu đồng Báo An ninh Thủ đô giúp cháu Tiên ngày ấy, tôi vẫn để trong ngân hàng. Sức khỏe tôi giờ yếu rồi, lo bệnh trong người không biết sẽ đi viện lúc nào, thế nên khó có thể chăm được cháu”. Rồi ông chợt nhìn xa xăm, từ trong hốc mắt lăn ra hai giọt nước: “Có lẽ tôi sẽ phải gửi toàn bộ số tiền này cùng cháu Tiên vào một trung tâm nuôi dưỡng nào đấy. Xót lắm, nhưng số ông cháu tôi côi cút, bất hạnh, biết làm sao được”. Chợt nhớ ngày tôi vào viện cùng với số tiền bạn đọc gửi tặng để cứu bé Tiên, tôi cứ ngỡ mình đã giúp 2 ông cháu giải được bài toán khó. Thế nhưng, giờ đây tôi thấy mình bất lực. Khó có thể hình dung được một đứa trẻ 6 tuổi, lại cụt cả hai chân sẽ xoay xở thế nào ở nơi xa lạ khi không có người thân bên cạnh. Với cô bé, cuộc sống này mới chỉ bắt đầu…

Hạnh phúc là sẻ chia

Nếu như với 2 nhân vật trên, cho tới tận bây giờ chúng tôi vẫn luôn đau đáu như vướng một món nợ thì với bé Nguyễn Thị Thơ, ở Sơn Công, Ứng Hòa (Hà Nội), chính bản thân tôi lại đã có thể trút tiếng thở phào. Hẳn những bạn đọc từng góp tiền cho hai anh em cô bé mồ côi, nằm thoi thóp ở Bệnh viện Bạch Mai đúng Tết Trung thu năm 2008 vẫn còn nhớ về tình huống ngàn cân treo sợi tóc ngày nào. Chỉ chậm vài ba ngày, chắc chắn cô bé có cái tên đẹp như thơ ấy sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này. Ca mổ tim do các bác sỹ Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện bằng chính kinh phí của các bạn đọc đóng góp đã giúp bé Thơ giữ được mạng sống. Số tiền ấy cũng giúp cả 2 anh em thoát khỏi cảnh bần hàn và có một mái nhà vững chãi che mưa gió.
Gần 5 năm, trong số các bạn đọc hẳn cũng đã có người quên đi những việc nghĩa mình đã từng làm. Có thể các bạn coi đó là chuyện nhỏ, bởi cứu người là chuyện “tất - lẽ - dĩ - ngẫu” của bất cứ trái tim nào có lương tri. Nhưng chúng tôi vẫn nhớ. Bé Thơ vẫn nhớ. Chú ruột của Thơ, ông Nguyễn Tất Việt vẫn cứ đỏ hoe mắt khi nhắc lại chuyện cũ. Ông Việt gọi đó là một phép thần mà cả trong những giấc mơ suốt cuộc đời mình ông không bao giờ nghĩ tới. Bây giờ thì số tiền mấy chục triệu đồng cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng lúc ấy, nó mang lại cả một sự hồi sinh quá đỗi bất ngờ. Cô bé đã thoát chết, đã trưởng thành và cũng chẳng mấy nữa sẽ có người yêu, có công ăn việc làm và cuộc sống như bao người. Tôi ước tất cả những bạn đọc đã góp tiền cho bé Thơ chữa bệnh khi xưa có mặt cùng tôi lúc này để có thể nhìn thấy những tia sáng lấp lánh trong ánh mắt của cô gái đã thành thiếu nữ. Thơ nói đùa dí dỏm: “Khi nào cháu cưới chồng, chú nhớ về dự đấy nhé. Và chú đừng gọi cháu là con bé nữa. Ở quê, 18 tuổi là chuẩn bị lên xe hoa rồi”. 
Còn nhớ, khi nhận được tin Thơ sắp chết, Tổng Biên tập Đào Lê Bình  gọi tôi đến giao việc, mang ngay 10 triệu đồng vào Bệnh viện Bạch Mai “cấp cứu” cho cô bé. Tôi xuống tài vụ, đúng lúc thủ quỹ không có nhà. Thấy thế, ông vội vàng bấm máy gọi, cứ như thể sắp cháy nhà. Lúc ấy, tôi nghĩ: Cả ông, cả tôi hay cả tòa soạn này chẳng bao giờ đủ tiền để lúc nào cũng sẵn sàng tặng cho các số phận đang bên bờ vực của cái chết. Nhưng khi vào viện, rồi về quê bé Thơ, tôi tin bất cứ ai cũng sẽ hành động như thế. Và điều đó đã đúng khi ngay sau đó, hàng trăm bạn đọc gửi tiền về tòa soạn. 
Tôi hỏi: “Cháu có nhắn nhủ gì cho mọi người?”. Thơ cười lỏn lẻn: “Chú cho cháu gửi lời cảm ơn tới tất cả các tấm lòng”. Ừ! Thì ngoài cảm ơn, cô bé còn biết nói được gì hơn nữa? Cái quý nhất là sự sống thì bạn đọc đã tặng em rồi. Và tôi chợt nghĩ, em sẽ sống. Sống thật tử tế cũng là một cách báo đáp cho bạn đọc - những người đã từng rung động trước một số phận bất hạnh mà tình đồng bào thôi thúc họ tìm đến Báo An ninh Thủ đô để đưa tay ra cho em nắm.