Mối nguy từ lái xe là con bệnh

ANTĐ - Là loại xe siêu trường, siêu trọng nên khi xe container va chạm với các phương tiện giao thông khác, hậu quả là rất nghiêm trọng. Sức khỏe của các lái xe container có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của mỗi chuyến đi song đáng buồn là vấn đề này hiện chưa được coi trọng đúng mức.

Những cái chết bất ngờ

Thời gian gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông do lái xe container gây ra làm nhiều người chết và bị thương, phá hủy nhiều công trình giao thông, tài sản của người dân khiến dư luận bàng hoàng phẫn nộ. Cách đây không lâu, vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên Quốc lộ 1A  thuộc huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã làm chết và bị thương trên 20 người. Nguyên nhân là do xe container kéo theo  rơ-mooc chạy hướng Nha Trang - TP Hồ Chí Minh đã va vào 1 xe khách, sau đó đâm tiếp vào một chiếc xe khách khác khiến chiếc xe này lật nhiều vòng và bốc cháy dữ dội. Do ngọn lửa bốc cháy quá nhanh, khu vực này không có đèn đường nên nhiều hành khách không chui được ra khỏi xe và đã bị chết cháy. Kết luận ban đầu cho thấy, chiếc xe container lấn tuyến và chạy tốc độ cao.

Gần đây, vào chiều 30-4 vừa qua, tại Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phong Điền,  tỉnh Thừa Thiên - Huế, xe khách BKS: 38N-54…khi đang lưu thông theo hướng Huế - Hà Tĩnh đã bị xe container do T.T.T điều khiển theo chiều ngược lại lấn đường tông trực diện. Vụ tai nạn đã khiến hơn chục người chết và bị thương. Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi bị cơ quan điều tra CAH Phong Điền khởi tố và bắt giam về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, lái xe container khai nhận đã điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao và lấn đường gây tai nạn. Đặc biệt, T còn khai mình đã bị nhiễm HIV giai đoạn 3. 

Những sự việc trên cho thấy tình trạng đáng báo động về kinh nghiệm, thái độ làm việc cũng như sức khỏe của các lái xe container là mối nguy hiểm cao độ. Anh Nguyễn Hưng - chuyên viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, trên các tuyến đường quốc lộ, những chiếc xe container chẳng khác nào hung thần. Lái xe không những chạy tốc độ cao mà còn thường xuyên lấn chiếm làn đường, vượt ẩu, bấm còi inh ỏi để uy hiếp các phương tiện giao thông khác. Anh Hưng lo lắng: “Tôi được biết không ít lái xe đường dài nghiện ma túy, nghiện rượu nhưng vẫn cầm vô lăng”.

Có quy định nhưng vẫn vi phạm

Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Luật Giao thông đường bộ đã ghi rõ về điều kiện và sức khỏe của người lái xe tham gia giao thông: Họ phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (Điều 58). Cụ thể, theo Điều 60: Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2); Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc (FC); Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ-moóc (FD). Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. 

Trên cơ sở quy định trên, ngày 30-9-2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT về tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe. Văn bản này quy định: Ngoài những cá nhân không đạt các tiêu chí về mắt, xương hàm, thanh quản.., thì người bị trĩ nặng, người có biểu hiện lâm sàng HIV/AIDS cũng không đủ điều kiện điều khiển xe container. 

Theo Luật sư Hoàng Huy Được, điều đáng buồn là hiện Việt Nam đang đứng thứ 4 về số người chết vì tai nạn giao thông trên thế giới. Trung bình mỗi ngày, cả nước có 30-35 người chết vì tai nạn giao thông. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu ý thức và sự không đảm bảo về sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là những người sử dụng ma túy, chất hướng thần trong khi lái xe. Vì vậy, việc kiểm tra tình trạng sức khỏe định kỳ đối với những người này là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc dừng xe đang lưu hành để yêu cầu lái xe thử nước tiểu lại là vấn đề khá phức tạp bởi nó liên quan đến chủ thể được phép dừng xe đang lưu thông, thiết bị thử nước tiểu và thời gian cho kết quả. Hơn nữa, việc dừng xe cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian giao nhận hàng hóa, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Do vậy, để tránh xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc tiếp theo, các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra và xử lý nghiêm những chủ cơ sở kinh doanh vận tải không tuân thủ các quy định về kiểm tra sức khỏe khi ký hợp đồng lao động với lái xe. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên sớm ban hành, bổ sung các quy định trong việc dừng xe đối với những trường hợp lái xe có nghi ngờ về sức khỏe và sử dụng ma túy, các chất kích thích, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ của mình, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.