Mỗi độ tháng Tư…

ANTĐ - 30-4, ngày đất nước hòa bình thống nhất, ngày mà năm nào mẹ tôi cũng lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ cha. Trong làn khói hương thoang thoảng, tôi hay đọc lại những bức thư cha gửi về cho mẹ. Chúng tôi là những người may mắn khi tìm được cha về, trong khi biết bao liệt sỹ khác vẫn nằm dưới những ngôi mộ ghi: “Chưa biết tên”… 

Mỗi độ tháng Tư…  ảnh 1
Tân binh Hà Nội tập kết ở phố Trần Hưng Đạo chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu


“Đầu xuân 1968. Minh Liên em yêu!

  Giờ phút anh lên đường vào Nam chiến đấu đã đến. Nhân dịp này anh biên thư về thăm em.

   Trước hết, chúc em mạnh khoẻ và hạnh phúc, chúc em hoàn thành mọi nhiệm vụ của xã hội và gia đình, phấn đấu trở thành người Đảng viên. 

    Em yêu! Vì lý tưởng, anh đã lên đường theo tiếng gọi của Đảng, của Tổ quốc, non sông và trái tim cộng sản. Ra đi là anh phải hy sinh và hy sinh tất cả những gì mà anh yêu quý, những cái gì thuộc về hạnh phúc của chúng ta, anh hiểu và hiểu rất rõ như vậy nhưng anh vẫn quyết tâm. Còn em! Em cũng phải hy sinh rất lớn, nào chờ đợi, nào chịu đựng gian khổ và phấn đấu rèn luyện không ngừng để trưởng thành. Những việc như vậy tuy bình thường nhưng rất vĩ đại, rất anh hùng, nó đã biểu thị phẩm chất tốt đẹp của người con gái Việt Nam…”.

Ngày ấy, cha tôi xung phong vào Nam chiến đấu, để  lại Hà Nội gia đình nhỏ cho mẹ tôi gánh gồng: bà nội và hai chị em tôi. Tôi phải xa cha từ tuổi ấu thơ, và mỗi lần đọc lại thư của cha là mỗi lần thấm thía tình yêu thương của cha  dành cho mẹ con tôi trên mỗi bước đường hành quân. Cái Tết đầu tiên, cha tôi và các chiến sĩ Đại đội 4, Nhà máy dệt 8/3 - nhà máy đầu tiên của ngành dệt thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ hồi đó - xa gia đình thân yêu, xa Hà Nội, ăn Tết ở Nghệ An, trước khi hành quân tiếp vào chiến trường B.

“Đô Lương, ngày 1 tháng Giêng Mậu Thân

Em yêu thương!

Hôm nay đầu xuân mới, xuân thắng lợi, anh tranh thủ biên thư về thăm em!

Em yêu! Mỗi mùa xuân đến là lòng người như trẻ lại, tình cảm thêm phấn khởi. Mấy hôm nay, lòng anh vui buồn khó tả, nhiều đêm thao thức nhớ vợ, thương con, ôn lại từng xuân qua sống bên em, anh yêu em vô cùng, thương vô hạn…

Từ nay không còn hòm thư nữa, thư em viết vào, anh cũng sẽ không nhận được, em ở nhà cố gắng nuôi dạy các con thay anh.

Em yêu! Giờ lên đường đã đến, đợi anh về em nhé. Nếu vì nhiệm vụ của Đảng mà anh hi sinh thì em hãy bình tĩnh và hãy tự hào vì mình có người ruột thịt hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao cho, góp phần giải phóng miền Nam...”. 

Và từ đó bắt đầu cuộc hành quân gian khổ trên con đường Trường Sơn huyền  thoại “đá mòn mà đôi gót không mòn” in dấu chân bao chiến sĩ. Cha tôi bước trên con đường thăm thẳm dốc cao vực sâu với khẩu B40 và ba-lô sau lưng mà khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất non sông để trở về sum họp gia đình như ngọn lửa cháy rực trong tim. 

“Vượt Trường Sơn là một thử thách lớn gay go gian khổ, nhiều vách cao vực thẳm, bọn anh đi trọn ba ngày mới sang tới đất bạn Lào; chỉ thấy núi rừng, muỗi vắt, bữa ăn chỉ toàn rau rừng và đồ hộp mà thôi. Xa em, nhớ thương em vô hạn. Nhưng em yêu ơi, chiến thắng hai miền đang giòn giã, ngày thống nhất không còn xa nữa. Mong em phát huy truyền thống “ba đảm đang”, thay anh nuôi mẹ già, con nhỏ, chờ anh ngày chiến thắng trở về”. 

Nhưng cha tôi và hàng nghìn chiến sĩ của Hà Nội đã không trở về. Họ nằm lại trong lòng đất phương Nam, nghe gió sông Tiền, sông Hậu, sông Cần Giờ thổi suốt bốn mùa. Những ngôi mộ chưa biết tên trắng xoá trong các nghĩa trang liệt sĩ. Mẹ tôi đã kiên gan vượt dốc đứng dậy nuôi chúng tôi khôn lớn. Tôi không biết mẹ đã khóc lúc nào, nhưng có lúc trong đêm khuya khoắt, chợt thức giấc, thấy bóng mẹ im lìm in trên tường; mái tóc ngày nào xanh mướt dưới vành nón che nghiêng duyên dáng, giờ bạc như mây. Những lá thư của cha gửi về, mẹ giữ cẩn thận trong chiếc ví cha để lại  cùng nhật ký của mẹ những năm tháng đằng đẵng chờ đợi mong tin cha... Tất cả đã trở thành kỷ vật quý giá của gia đình tôi, cho con cháu theo gương ông bà rèn đức, rèn chí nên người. 

Hòa bình lập lại, hễ có dịp là mẹ con tôi vào Long An tìm mộ cha. Vậy mà cũng phải tới 43 năm cha tôi nằm trong lòng đất Cần Giuộc, Long An, mùa thu năm 2011, cha được trở về quê hương sum họp với tổ tiên. Mỗi đận 30-4, thắp hương cầu khấn cha, tôi lại nhớ ngọn gió biển Cần Giuộc mặn mòi thổi ào ào trên những ngôi mộ chưa biết tên, trắng xóa trong nghĩa trang liệt sỹ huyện Cần Giuộc. Tôi châm thêm hương, bái vọng các anh.