Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

ANTĐ - Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều  qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đề nghị nên mở rộng thêm các đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là các đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động thời vụ, hoặc làm công việc cố định có hợp đồng từ  1-3 tháng.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ảnh 1ĐB Trần Thanh Hải phát biểu tại hội trường QH ngày 23-10

Các ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đều cho rằng, đây là biện pháp hữu ích để đối phó với tình trạng chủ sử dụng lao động cố trốn tránh việc đóng BHXH cho người lao động bằng cách liên tục ký các hợp đồng ngắn hạn. Quy  định đóng bảo hiểm bắt buộc với cả lao động thời vụ cũng đảm bảo khả năng an sinh xã hội cho người lao động. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi cho việc này, các cơ quan quản lý, tổ chức công đoàn và ngành BHXH Việt Nam, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường quản lý và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định. 

Một số ý kiến khác lại cho rằng, mở rộng đóng BHXH cho đối tượng lao động thời vụ hoặc ngắn hạn nghe rất hay, nhưng khó khả thi. Lý do là phần lớn lao động dạng này thu nhập thấp, nên việc bị trừ đi khoản tiền BHXH ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ. Mặt khác trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc sử dụng lao động thời vụ được coi như giải pháp tình thế, tạm thời chứ không phải là mục tiêu dài hạn. Do đó, cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

Ngoài ra, nhiều ĐB đề nghị cần bổ sung cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn được tham gia BHXH. Tuy vậy, mọi chế độ phụ cấp đãi ngộ dành cho cán bộ cơ sở hiện còn hạn chế. Do vậy Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ 10% BHXH cho họ. ĐB  Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, khoản hỗ trợ (10%) Nhà nước bỏ ra là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho những cán bộ không chuyên trách. Hiện nay, nhiều cán bộ không chuyên trách làm việc như công chức với thời gian 8 giờ/ngày. Thế nhưng, khi nghỉ hưu họ lại không có lương hưu. Chính vì vậy, để cho họ được tham gia BHXH theo diện bắt buộc là biện pháp giúp họ yên tâm làm việc.