Mở Lễ hội Tam giác mạch: Lòng người nở hoa trên cao nguyên đá

ANTĐ - Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá lại có hình tam giác, vì thế có tên tam giác mạch. Người dân bản địa thường lấy bột của hạt tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn. Vì nhận thấy giá trị thẩm mỹ, văn hóa, du lịch của loài cây lương thực, loài hoa đặc biệt tam giác mạch, nên bắt đầu từ năm nay tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức một lễ hội để tôn vinh hình ảnh loài hoa đặc biệt này. 
Mở Lễ hội Tam giác mạch: Lòng người nở hoa trên cao nguyên đá ảnh 1

Lễ hội Hoa tam giác mạch với chủ đề “Cao nguyên đá - ngàn hoa khoe sắc” dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi hoa tam giác mạch nở rộ nhất. Dự kiến, một chuỗi các hoạt động văn hóa sẽ được tổ chức như: Lễ hội khèn Mông; trưng bày triển lãm ảnh sáng tác, quảng bá về Cao nguyên đá Đồng Văn; Hội chợ du lịch Cao nguyên đá... 

Hoa tam giác mạch vốn ẩn sau vẻ dung dị, đơn sơ lại có sức hút mạnh mẽ, lạ kỳ vì nó còn mang theo trong màu hoa tím hồng phơn phớt ấy một câu chuyện huyền thoại.

Chuyện rằng: Xưa thượng đế trên trời cho hai nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới. Gieo hạt xong, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì nên các nàng tiên bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng. Một ngày, mọi người cùng đi khắp núi rừng để tìm cái ăn, chợt thấy mùi hương là lạ. Mọi người cùng tìm đến khe núi và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cũng bởi cốt truyện huyền thoại này nên Hà Giang càng có cớ để xây dựng nên một lễ hội riêng biệt.

Và năm 2015 là lần đầu tiên Hà Giang tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch với quy mô lớn. Ban tổ chức hy vọng, qua sự kiện này giới thiệu rộng rãi những hình ảnh đặc sắc, nét văn hóa truyền thống, bản địa của cư dân miền đá đến với đông đảo khách du lịch, bạn bè trong nước, quốc tế. Cũng bắt đầu từ năm 2015, lễ hội này sẽ được tổ chức thường niên. 

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang cho biết: Vài năm gần đây, ngắm hoa tam giác mạch ở Hà Giang đã trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Ngoài Cao nguyên đá Đồng Văn, cánh đồng hoa tam giác mạch đã trở thành biểu tượng, sản phẩm du lịch độc đáo riêng có ở Hà Giang.

UBND tỉnh Hà Giang hiện tại đã mở rộng diện tích trồng tam giác mạch tại những nơi đã có quy hoạch phát triển du lịch, nhằm tạo sản phẩm du lịch mới, kết nối các sản phẩm du lịch cùng di sản hiện có, tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách. Mỗi hecta trồng hoa tam giác mạch cho năng suất bình quân từ 6 - 8 tạ, đem lại thu nhập từ 18 đến 20 triệu đồng. Cộng thêm chủ trương sẽ cho thu phí tham quan, chụp ảnh tại các điểm trồng hoa quy định để người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch, như vậy việc mở rộng diện tích trồng hoa tam giác mạch để phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù là khả thi đối với địa phương, mang lại lợi ích lâu dài và bền vững cho bà con vùng Cao nguyên đá. 

Năm 2015, để phục vụ cho lễ hội, 4 huyện vùng cao là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn đã gieo trồng gần 500 hecta hoa tam giác mạch, trong đó chú ý làm điểm nhấn tại các điểm dừng chân để du khách thỏa sức chụp ảnh và trải nghiệm. Loài hoa có cánh hình tam giác nhỏ li ti trên vùng đất cằn cỗi, nở đúng vào mùa ngô lúa không cách nào nảy được, đang làm lòng người nở hoa trên cao nguyên đá.