Miến Dương Liễu liệu có vệ sinh?

ANTĐ - Nằm bên bờ tả ngạn dòng sông Đáy hiền hòa, làng nghề Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm miến dong. Những năm gần đây, vùng quê này đã thực sự chuyển mình, trở thành một “làng công nghệ cao”, có thể tự làm ra hầu hết các loại hàng hóa thực phẩm có mặt trên thị trường...  

Miến ở Dương Liễu phơi đầy ven đường bụi bẩn

Cả làng làm miến dong

Từ ngã ba Đan Phượng, men theo bờ đê ngược phía thượng nguồn sông Đáy, chẳng mấy chốc chúng tôi đã tìm về đến một trong những làng nghề thực phẩm nổi tiếng nhất khu vực ngoại thành Hà Nội. Đoạn đường đê đầu làng đang trong giai đoạn sửa chữa, lớp bê tông trên mặt đường bị lột lên để lộ nền đất luôn bụi mù trong gió lạnh. Mặc vậy, cứ sáng sáng, người dân trong làng lại cót két kéo những chiếc xe ba gác chở đầy các phên miến mới ra lò lên mặt đê tìm khoảng trống để phơi. Một số cơ sở sản xuất lớn thì chở miến bằng xe công nông, xe tải nhỏ. Từ đó, các phên miến được dựng xuống, phơi la liệt dọc khắp triền đê, ven mặt đường, bất chấp bụi đường đỏ quạch liên tục táp thẳng vào từng sợi miến trắng mỗi khi có một cơn gió hay một chiếc xe tải chạy qua. Lúc mới đem phơi miến có nhiều màu khác nhau, từ đen, xám đến vàng, trắng, thế nhưng sau một ngày, bằng mắt thường có thể thấy các phên miến đều chuyển sang màu nâu của bụi đất.

Dừng xe hỏi một cô gái đang say sưa lật từng phên miến phơi ở đầu làng, rằng “phơi miến như thế này thì bụi bẩn, mất vệ sinh quá?”, cô gái hồn nhiên trả lời “mùa này giáp Tết, trong làng nhà nhà đua nhau làm miến cho đủ bán, kiếm được một chỗ phơi là tốt lắm, lấy đâu ra mà chọn lựa hay tránh đoạn bụi bẩn”. Nói rồi cô gái chỉ ra phía cánh đồng, nơi những ruộng đất trống sau vụ thu hoạch cũng đã được phủ vàng bởi các phên miến phơi gió. Cô gái bảo: “mùa này toàn cánh đồng gần như bỏ trống bởi người dân đều tập trung làm nghề, nên phơi  miến ở đó còn an toàn, chứ bình thường có nhiều hộ làm màu, phun thuốc sâu nhiều, phơi miến ở đó tránh được bụi nhưng còn nguy hiểm hơn nhiều phơi mặt đường”.

Quả đúng như lời cô gái, đang vào vụ tăng ca sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán nên thời điểm này, không khí lao động ở Dương Liễu vô cùng tấp nập. Con đường chính từ chợ Sấu dẫn vào làng, đâu đâu cũng thấy những đống khoai dong (còn gọi là khoai đót, khoai hồng tinh), sắn chất cao vút, được nhập về trên những chuyến xe tải lớn mang biển số 22, 26 từ Sơn La, Tuyên Quang. Từ các bãi tập kết này, củ dong được các hộ gia đình vận chuyển về xưởng để làm miến. Theo tìm hiểu, khoai dong có giá trung bình 12.000 đồng/ kg, một tấn bột dong làm ra được khoảng 600kg miến.

Các cơ sở sản xuất miến đang tăng ca phục vụ mùa Tết

Công nghệ rẻ tiền

Muốn tìm hiểu công nghệ làm miến của làng nghề này, chúng tôi quyết định mục sở thị vào một xưởng sản xuất miến lớn tại xóm Hợp Nhất, ở ven cánh đồng làng. Qua quan sát, củ dong sau khi được vận chuyển về xưởng, không cần qua khâu cọ rửa, được các công nhân múc từng sọt đổ thẳng vào máy xay, tạo ra loại bột dong đẫm nước có màu trắng đục. Loại bột này được đổ vào các bao tải, buộc kín rồi chất dọc đường làng ngõ xóm cho ráo nước. Sau đó, các tải bột sẽ được công nhân đem đổ vào các bể ngâm để lọc cặn bẩn và làm trắng màu. Theo tìm hiểu từ những công nhân sản xuất trong xưởng, hạt tinh của loại bột dong vốn dĩ rất ánh nên thông thường chỉ ngâm qua nước 3-4 lần là trở nên trắng sạch. Tuy nhiên, do cách làm truyền thống này mất thời gian, hiệu quả thấp (vì phải ngâm lọc nhiều lần) nên nhiều cơ sở sản xuất sử dụng các loại phụ gia, chất tẩy màu. Hơn nữa, việc sử dụng chất tẩy màu cũng làm cho bột miến có được màu sắc phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Biết tôi là một “thương gia” từ Hà Nội về tìm đầu mối để nhập hàng bán Tết với số lượng lớn, anh Thủy (ở xóm 7, Dương Liễu), là nhân viên bán hàng cho một công ty làm miến của người chú họ phấn khởi giới thiệu, từ khi còn là sinh viên học tại thị trấn Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) anh đã có thâm niên vận chuyển miến từ làng ra đó bán kiếm lời. Sau khi ra trường, chưa xin được việc nên tiếp tục quay về sống với nghề. Cũng vì thế, tất cả các xưởng miến trong làng anh đều nắm rõ, lúc nào cũng có thể nhập được hàng thấp hơn 2-3 giá (1.000-2.000 đồng so với giá bình thường). Anh này đưa cho tôi số điện thoại rồi tư vấn: “Nếu anh muốn đặt hàng cứ gọi cho em chứ vào mua thẳng ở các xưởng chắc chắn bị hét giá đắt hơn. Chẳng hạn loại miến đen (miến mộc) là đắt nhất, ở Hà Nội các cửa hàng bán khoảng 50.000 đồng/kg nhưng thời điểm này trong làng đang bán buôn 32.000 đồng/kg. Miến có 4 loại, loại rẻ nhất có thể chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, còn miến ngon để ăn, biếu thì phải đặt hàng riêng…”. 

Hỏi tại sao giá các loại miến lại chênh nhau nhiều như vậy mà nhìn mắt thường không thể phân biệt được, người bán hàng tên Thủy cho biết, miến rẻ hơn mà vẫn trắng đẹp, thậm chí ăn vẫn ngon không kém, là vì miến ấy có pha trộn bột, sử dụng chất tẩy màu và phụ gia. “Đơn giản thế này, bột dong bây giờ đắt hơn bột sắn khoảng 3-4 lần, muốn làm miến rẻ thì người ta pha bột dong lẫn bột sắn với tỷ lệ nhiều hơn sẽ giảm giá thành. Tất nhiên nếu pha bột sắn nhiều quá thì miến sẽ bị vụn, nát, nhưng họ có những chất phụ gia khiến cho miến pha vẫn dai. Cái này cũng phụ thuộc vào bí quyết riêng của từng nhà nữa, có nhà đầu tư nhiều hơn nhưng chưa chắc miến đã ngon…” - Thủy giải thích.

Tôi đồng ý sẽ đặt hàng của Thủy và gạn hỏi Thủy đầu mối cung cấp các loại bánh kẹo, thực phẩm khác trong làng. Thủy giới thiệu cho tôi một người tên Quân – theo Thủy thì người này là một nhân viên bán hàng kỳ cựu, quen biết rất nhiều đầu mối bán hàng tại La Phù (một làng nghề thực phẩm nổi tiếng khác của huyện Hoài Đức) và cũng là người trong làng có địa bàn bán hàng rộng nhất…

(Còn nữa)