Mê hoa hơn mê…vợ

ANTĐ - Có lẽ, ngã rẽ cuộc đời khiến vị Tiến sỹ đến với loài hoa đẹp ấy chính là định mệnh, bởi ông vốn sẵn tình yêu thiên nhiên ngay từ khi cầm súng ở chiến trường, cái “nghiệp” cỏ, cây, hoa, lá của ông như mảnh đất màu mỡ để thỏa chí đam mê mà thôi.
Mê hoa hơn mê…vợ ảnh 1
Vườn địa lan của Tiến sỹ Trần Lệ đã tạo việc làm cho hàng chục nhân công
tại xã Quyết Chiến, Tân Lạc, Hòa Bình


Lan “bất tử”

“Vua chơi lan, quan chơi trà”, đó là thú chơi tao nhã xưa. Bây giờ khác xưa nhiều rồi, nếu ai đó muốn chơi những loài hoa này thì mê chỉ là một phần, quan trọng là phải biết “tính nết” nó thế nào mới làm cho nó ra hoa đẹp được. Hiểu được cây ở đây không phải hiểu như con người hiểu nhau mà hiểu để buộc nó thích nghi dần với khí hậu thổ nhưỡng nơi ta trồng nó.” - Tiến sỹ nông nghiệp Trần Lệ bộc bạch.

Có câu nói, người yêu hoa trồng hoa chẳng mọc, người hững hờ cắm liễu lại xanh. Câu này theo nghĩa đen có đúng với ông không? “Thật chẳng có gì dễ dàng cả, nhất là đối với loài hoa lan, nếu người trồng bỏ quên hoặc chăm sóc không đúng cách thì rất khó được hoa như mong muốn. Tôi đã thất bại nhiều lắm, không phải dễ dàng để vườn lan này của tôi xanh tốt, bung nở quyến rũ đến như vậy”. - Ông Lệ vừa dẫn khách ra vườn lan, vừa giới thiệu từng nhánh lan với tên tuổi, địa chỉ cụ thể. “Đây là lan hài tôi mang về từ Hà Giang, đây là lan tai tượng mang về từ dãy Hoàng Liên Sơn, còn đây là địa lan, hồ điệp, vũ nữ… do tôi cấy mô nhân giống”- Trần Lệ có vẻ rất tự hào về sự thành công của mình. Những lần hoa nở rộ, ong bướm rộn ràng mảnh đất Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, Hòa Bình thì ai cũng thấy rõ, nhưng những ngày tháng ngậm ngùi với những gốc lan lụi tàn thì đâu phải ai cũng hiểu được đâu.  Không màng danh lợi, ông làm luận án tiến sỹ tại Hungary chuyên về nuôi cấy mô chỉ vì mê loài hoa mình yêu thích thời còn ở bộ đội. Khi ấy, trên chiến trường, “mưa rừng, cơm vắt” gian khổ và cái chết cận kề, nhưng loài hoa lan buông rủ bên lán dừng chân những đêm hành quân đã nâng niu tâm hồn ông lạc quan trong chiến trận. Những lúc nghỉ ngơi bên cánh võng ngoài bìa rừng, ông luôn gặp loài hoa, mà khi ấy ông gọi hoa lan rừng là loài hoa “bất tử”. Cái nắng lửa của dãy Trường Sơn là thế, nhưng ông đã nhiều lần dành ngụm nước cuối cùng trong bi đông để tưới vào nhành lan bị bom thù thiêu đốt… 

Mê hoa hơn mê…vợ ảnh 2
Tiến sỹ Trần Lệ bên những chậu lan nhân giống bằng mô

Ông tiến sỹ “mô”

Năm 1976,  ông được phân công, điều động về công tác tại Trung tâm nuôi cấy mô Đà Lạt.  Năm 1986 ông tự lập phòng cấy mô riêng để sản xuất giống khoai tây và các loại hoa cung cấp cho người dân Đà Lạt. Từ phòng cấy mô, sau được ông đầu tư nâng cấp lên thành trung tâm cấy mô tạo ra các loại cây trồng có chất lượng cao từ trong ống nghiệm... Để thỏa lòng đam mê, Tiến sỹ Trần Lệ quyết chí khám phá sự sinh trưởng của loài lan trên những cánh rừng Tây Bắc, Việt Bắc. Từ Tây Bắc thông tin về cho người vợ thương yêu ở Đà Lạt, “mình ạ, ở ngoài này nhiều lan đẹp lắm! Nhất là ở đèo Ô Quy Hồ, Lai Châu, có loài lan tóc tiên quyến rũ bởi cánh trắng e ấp cánh tim tím. Tôi được biết loài lan quý này chỉ có ở đây và nguy cơ tuyệt chủng rất cao nên tôi quyết định nghiên cứu để sau này sẽ có rừng lan quý”. Người vợ nhận được tin của chồng không vui, mà lại buồn. Buồn bởi ông đã mê loài hoa mà bỏ vợ đi ở với hoa. 

Thời gian thấm thoắt, đã 13 năm Tiến sỹ Trần Lệ xa Đà Lạt mộng mơ, thỉnh thoảng lắm mới bắt chuyến tàu về thăm gia đình, vợ con rồi lại ra Tây Bắc với… lan rừng. “Tài sản của tôi bây giờ là những tài liệu nghiên cứu về cách cấy ghép mô các loài thực vật và thổ nhưỡng để sinh trưởng các loài phong lan, địa lan”- Tiến sỹ Trần Lệ bộc bạch. Giờ hỏi Tiến sỹ Trần Lệ chẳng mấy ai hay biết, nhưng hỏi về ông có bộ ria bạc, tóc muối tiêu luôn đeo kính và đeo túi thì người dân Tân Lạc sẽ ồ lên. “À ông mô lan rừng”. Bạn bè của ông người Mường cũng đông, Thái cũng có, Mông cũng thân thiết. “Mỗi lần tôi về thăm gia đình vợ tôi lại bảo không đi nữa, nhưng tôi nghĩ đến công lao mình bỏ ra bao năm, giờ bỏ, tiếc lắm”- Tiến sỹ Trần Lệ tâm sự. 

Ông đưa muôn loài hoa lan của cánh rừng Tây Bắc, Việt Bắc về xã vùng núi Hòa Bình này để nuôi chí phủ kín muôn loài lan cho Hà Nội. Ngoài trúc lan, địa lan, hoa ly, hồ điệp, trong những khu “đặc biệt” của nông trang, Tiến sỹ Trần Lệ còn có nhiều loài thuốc quý được nhân giống cung cấp cho người dân xứ Mường. Giờ giống thuốc quý như sanh địa, giảo cổ lam, atisô, đản sâm... trong khu vườn của Tiến sỹ có đủ.

Hoa anh đào nở trên đất Mường

Trong một lần tình cờ được gặp gỡ, ông Yoshihiro Hirato đến từ Nhật Bản là một giám đốc công ty tại Việt Nam, biết Trần Lệ là vị tiến sỹ chuyên về mô đã có nhã ý tặng 10 hạt giống cây Hira Sakura -  loài hoa giống hoa anh đào để trồng thử trên mảnh đất này. Khi mang về trồng ở Quyết Chiến thì mọc được 8 cây. Thấy có triển vọng ông ngỏ ý muốn xin thêm một ít hạt giống nhưng Yoshihiro Hirato cho biết hiện không còn, sẽ liên hệ với Đại sứ quán Nhật để xin thêm. Qua thông tin từ bạn bè mới biết, trước đó Đại sứ quán Nhật cũng đã có nhiều lần mang giống cây hoa anh đào tặng cho một số cơ quan chức năng của Việt Nam như một loài hoa của tình hữu nghị. Và những hạt giống của tình hữu nghị ông vinh dự được gieo trồng giờ đã nhuộm sắc hồng vào dịp mùa xuân. Qua 6 năm, Tiến sỹ Trần Lệ đã ươm hạt giống thành cây và nhân thành rừng hoa anh đào trên đất Mường cửa ngõ Tây Bắc.  “Cái thú lang thang của ông đã cạn chưa”? “Tôi chỉ ngừng khi nào rừng biết lên tiếng. Có những loài cây sẽ mọc được ở rừng, nhưng có những loài cây nếu còn ở rừng chúng sẽ chết và tuyệt giống bởi sự săn đuổi của con người, đó là loài lan quý. Tôi muốn tất cả những loài thực vật được cho là quý, sẽ không bị săn đuổi nữa bằng cách làm bớt hiếm đi từ những nhánh nhỏ này”- Tiến sỹ Trần Lệ quả quyết.