Mâu thuẫn khá nan giải

ANTĐ - Cả nước hiện có khoảng 15-20% số hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở. Hơn 7 triệu người thu nhập thấp tại đô thị mong muốn mua hoặc thuê nhà ở xã hội, gần 1 triệu công nhân trong các khu công nghiệp và 1,2 triệu sinh viên có nhu cầu thuê nhà ở. Như vậy mỗi năm, tổng quỹ nhà ở phải tăng thêm khoảng 60 triệu m2, chủ yếu ở các đô thị, trong khi tình trạng “đóng băng” bất động sản hầu như chưa có dấu hiệu tan chảy. 

Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội đưa ra một loạt chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015: diện tích nhà ở đô thị là 26,6m2/người, nhà ở nông thôn là 20m2/người, dự kiến thực hiện khoảng 600.000m2 nhà ở, đáp ứng 100.000 chỗ ở cho sinh viên, xây dựng khoảng 1,1 triệu m2 nhà đáp ứng 15.500 căn hộ cho người có thu nhập thấp mua, thuê và xây dựng khoảng 1,6 triệu m2 nhà ở đáp ứng 20.000 căn hộ tái định cư. Đây là một chương trình đồ sộ với định hướng khá rõ ràng là phải tuân thủ quy định xây dựng, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát; đa dạng hóa sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu của mọi đối tượng trong xã hội. Quan điểm của chương trình là thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và xã hội tham gia phát triển nhà ở, khuyến khích xây nhà ở để cho thuê, bán trả góp.

Nhìn nhận chỉ tiêu phát triển nhà ở của Hà Nội hết sức quy mô, một số chuyên gia bất động sản cho rằng, hiện nay còn tồn kho khoảng 56.000 nhà ở tái định cư, chưa kể hàng nghìn căn hộ cao cấp, nhà ở thương mại. Chương trình đặt ra mục tiêu xây dựng một khối lượng lớn nhà ở từ nay đến năm 2015 liệu có phù hợp hay không? Đặc biệt sắp tới, Nhà nước sẽ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất theo giá thị trường thì những người trong diện bị thu hồi đất có nhất thiết phải ở nhà tái định cư hay không khi mà họ có nhiều sự lựa chọn? Bản thân lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, qua kiểm tra thực trạng toàn bộ hệ thống nhà ở thương mại trên địa bàn cho thấy, đang có tình trạng mất cân đối nhà ở loại này vì số lượng dư thừa rất lớn. Không chỉ Hà Nội mà các địa phương cũng rơi vào tình trạng dư thừa. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng rà soát lại toàn bộ quỹ nhà ở thương mại để giãn, hoãn, dừng một số dự án kém khả thi. Đối với nhà ở tại nội đô sẽ phải tạm dừng, xem xét chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tại cuộc hội thảo gần đây về xây dựng đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách đã được ban hành nhiều nhưng quy định về tạo quỹ đất, giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà ở giá rẻ còn nặng tính xin - cho. Theo Ngân hàng Thế giới, yếu tố quan trọng gây trở ngại việc phát triển nhà ở là cơ chế hai giá. Đất được thu hồi được giao vào tay nhà đầu tư dựa trên khung giá ấn định. Sau khi đất được xây dựng hoặc phân lô bán cho người mua lại áp dụng giá thị trường. Cơ chế hai giá gây ra sự chênh lệch giá trị và lợi ích lớn; đồng thời tạo ra kẽ hở để thông đồng giữa hai nhóm lợi ích. 

Những nghịch lý về bất động sản, nhà ở đã được nói tới nhiều và để lại những mâu thuẫn khá nan giải. Nếu không giải quyết được nghịch lý và mâu thuẫn thì chủ trương phát triển nhà ở của Hà Nội đến năm 2015-2020 sẽ khó đạt được như mong muốn.