Mặt trái của việc lao động Nepal đổ xô đến Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bất chấp khả năng bị lạm dụng và bóc lột, hàng trăm nghìn lao động Nepal vẫn đổ về thị trường lao động Trung Đông mỗi năm.
Nhiều công nhân Nepal tham gia các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho World Cup 2022 diễn ra vào tháng 11-2022 tại Qatar

Nhiều công nhân Nepal tham gia các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho World Cup 2022 diễn ra vào tháng 11-2022 tại Qatar

Chỉ riêng năm ngoái, hơn 620.000 công nhân Nepal đã đi xuất khẩu lao động sang Trung Đông. Trong đó, công nhân Nepal đã tạo nên một đội ngũ khá lớn trong lực lượng lao động làm việc tại Qatar. Theo số liệu của Liên hợp quốc, từ tháng 7-2022, trong số gần 2,7 triệu người sống ở quốc gia vùng Vịnh này, người Nepal chiếm khoảng 432.000, tương đương 16% tổng dân số. Hầu hết họ làm việc tại các công trường xây dựng. Nguyên nhân là vì những công việc đó thường được trả lương cao hơn so với Nepal. Sau đó, nhiều người lao động gửi tiền về nước khiến kiều hối chiếm tới 25% tổng sản lượng kinh tế của Nepal và quốc gia này hiện là nền kinh tế phụ thuộc vào kiều hối nhiều thứ 5 trên thế giới. Nguồn kiều hối đã giúp một số hộ gia đình thoát nghèo đáng kể. Dòng tiền mặt bên ngoài này đã giữ cho nền kinh tế trụ vững trong một thời gian dài, bất chấp việc đất nước đang hứng chịu những bất ổn chính trị trong thập kỷ qua. Các cơ quan tuyển dụng cũng vận động Chính phủ Nepal để đảm bảo các hoạt động của họ không bị hạn chế.

Tuy nhiên, nhiều người Nepal đến khu vực này để tìm việc làm gặp phải tình trạng lạm dụng và bóc lột, một số thậm chí thiệt mạng. Theo số liệu Báo cáo lao động di cư của chính phủ nước này, ít nhất 7.467 lao động nhập cư Nepal đã thiệt mạng ở nước ngoài kể từ năm 2008. Số liệu này không tính đến lao động di cư qua các kênh trái phép cũng như lao động làm việc tại Ấn Độ. Các cơ quan tuyển dụng thường sử dụng trung gian để tìm kiếm lao động nhập cư tiềm năng. Trong khi các nước sở tại thường quy định người sử dụng lao động trả phí tuyển dụng, nhưng người lao động muốn nhận được việc lại phải hứng chịu chi phí này, dẫn đến nợ nần lên tới hàng nghìn euro. Cùng với đó, kể từ khi đến nước sở tại, họ phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển và quyền tự do theo hệ thống “Kafala” - cho phép người sử dụng lao động toàn quyền kiểm soát việc làm và tình trạng nhập cư của người lao động nước ngoài. Hệ thống này có hiệu lực ở tất cả các quốc gia vùng Vịnh, ngoại trừ Iraq, cũng như ở Jordan và Lebanon. Người sử dụng lao động thường xuyên thu giữ hộ chiếu, thị thực và điện thoại của người lao động, và đôi khi họ cũng giảm trừ hoặc giữ lại tiền lương. Sự phân biệt đối xử diễn ra tràn lan khi nhiều phụ nữ giúp việc gia đình bị lạm dụng, bao gồm cả bạo lực tình dục.

Trong bối cảnh giám sát toàn cầu ngày càng gia tăng, một số quốc gia vùng Vịnh đã bắt đầu thực hiện các cải cách đối với hệ thống quản lý lao động xuất khẩu như cho phép người lao động chuyển việc sau một thời gian nhất định và nới lỏng các hạn chế về nước. Tuy nhiên, người lao động và các nhóm bảo vệ quyền lợi cho biết, điều này thay đổi không nhiều vì hầu hết những ai muốn thay đổi công việc đều bị chủ sử dụng lao động đe dọa.

Đối với Nepal, làn sóng di cư ồ ạt ra nước ngoài và nền kinh tế phụ thuộc vào kiều hối đã đi kèm với thất thoát nguồn nhân lực khổng lồ, đồng thời phá vỡ cấu trúc xã hội. Với nhiều gia đình có vợ hoặc chồng làm việc dài hạn ở nước ngoài, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao. Điều đó cũng thúc đẩy sự chuyển dịch từ gia đình chung truyền thống sang gia đình hạt nhân, dẫn đến nhiều người cao tuổi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, bị bỏ lại mà không được chăm sóc. Ông Manju Gurung, đồng sáng lập một tổ chức hoạt động vì sự cải thiện của lao động nhập cư, cho biết: “Di cư là một quá trình tự nhiên và đó là một sự lựa chọn. Nhưng mọi người nên được thông báo về những hệ quả có thể xảy đến đối với cuộc sống cá nhân”.