Mạo hiểm với tính mạng của du khách

ANTĐ - Thêm một trường hợp du khách nước ngoài được xác định đã tử vong tại Lâm Đồng vào ngày 29-2 sau khi tự ý vào khu vực thác Pongour (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng) - cách Đà Lạt chừng 50km. Mối lo ngại về cách thức tổ chức cũng như tính an toàn của một loại hình du lịch được gọi là “mạo hiểm” bắt đầu ở mức báo động.  

Mạo hiểm với tính mạng của du khách ảnh 1

Thác Pongour - nơi vị khách người Belarus gặp nạn 

Sau khi xảy ra vụ việc 3 du khách người Anh tử nạn tại khu vực thác Datanla vào ngày 26-2, một trong những  doanh nghiệp đang khai thác du lịch mạo hiểm tại Đà Lạt, ông Vũ Đức Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Mạo Hiểm Việt đã lên tiếng: “Dường như đang có sự lẫn lộn giữa mô hình dã ngoại với các mô hình du lịch mạo hiểm”.

Trước hết, cần khẳng định rằng, du lịch mạo hiểm là một loại hình du lịch đặc thù, nó khác hoàn toàn với du lịch theo kiểu dã ngoại hay du lịch sinh thái, thiên về khám phá thiên nhiên. Nếu loại trừ những hình thức du lịch mà tính chất mạo hiểm đã khá rõ ràng như leo núi, đu dây vượt thác, lượn dù… thì ngay cả chèo thuyền hay đi bộ xuyên rừng với quãng đường hàng chục cây số cũng đã được cho là mạo hiểm.

Với loại hình du lịch mạo hiểm, du khách bắt buộc phải trang bị rất nhiều phương tiện kèm theo. Ví dụ như leo núi, ngoài việc trang bị mũ bảo hiểm, găng tay, bó gối… thì người tham gia còn phải có các loại nước uống, thức ăn, thuốc… để duy trì sức khỏe dẻo dai trong suốt chuyến đi. Nếu không được trang bị đầy đủ những phương tiện trên, du khách sẽ không được tham gia.

Hai vụ việc xảy ra tại Lâm Đồng vừa qua đã báo động một kiểu quản lý lỏng lẻo: du khách có thể tự do vào một khu du lịch mạo hiểm dưới hình thức đi “tham quan ngắm cảnh” mà không có bất cứ trang thiết bị bảo vệ nào. Điều này cho thấy ranh giới giữa cái gọi là “mạo hiểm” và “tham quan ngắm cảnh” đang bị làm mờ.  

Mạo hiểm với tính mạng của du khách ảnh 2

Không thể đánh đồng loại hình du lịch mạo hiểm với các kiểu du lịch thông thường 

Theo ông Phan Văn Chung - Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Thử Thách Việt, trước năm 2014, lượng khách du lịch tham gia các tour du lịch mạo hiểm ở Đà Lạt tương đối ít, chỉ chiếm khoảng 1-2%. Tuy nhiên, sau khi một số công ty du lịch bắt đầu khai thác khá hiệu quả loại hình này thì lượng khách gia tăng theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, phải đầu tư trang thiết bị cũng như đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên theo tiêu chuẩn quốc tế, nên giá tour mạo hiểm có thể gấp đôi so với các loại hình tour khác. Thế nhưng, “lỗ hổng” nằm ở chỗ du khách dù mua tour thường với giá rẻ nhưng lại có thể được “tiếp cận” với các hình thức mạo hiểm.

Chẳng hạn đi bộ trekking (đi bộ băng rừng), du khách hoàn toàn được quyền bơi lội trên suối, đi men theo dòng nước xiết… mà chỉ cần thỏa thuận với hướng dẫn viên. Điều này cho thấy, cách thức kinh doanh và quản lý kinh doanh này đang bộc lộ những nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn chết người. Nếu không có sự cảnh báo đúng mức, những rủi ro trong du lịch mạo hiểm vẫn sẽ xảy ra, điều này đồng nghĩa với việc du khách đang “đánh cược” mạng sống của mình.