Mang xe đi sửa: Thận trọng với "bẫy"

ANTĐ - Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bất bình trước tình trạng chặt chém và thủ đoạn tinh vi nhằm móc túi khách hàng của một số cửa hàng sửa xe máy trên địa bàn Hà Nội…

Khách hàng nên mang xe đến những cửa hàng quen biết, có uy tín (ảnh minh họa)

Vô số thủ đoạn

Theo lời kể của chị Lê Thúy Hà (ở khu 7,2 ha Vĩnh Phúc, quận Ba Đình), tuần trước, trên đường đi làm, khi đến phố Đê La Thành thì xe của chị đột ngột chết máy, không nổ được, nên chị đã dắt xe vào một cửa hàng gần đó để sửa. Sau một hồi tháo lanh tanh bành, chủ cửa hàng “phán” dây xăng của xe chị Hà bị thủng nên phải thay dây mới với giá 1,2 triệu đồng, cộng cả tiền công lắp đặt là 1,5 triệu đồng. Do thấy giá quá cao nên chị Hà không đồng ý, yêu cầu chủ cửa hàng lắp xe lại như cũ nhưng anh ta thản nhiên trả lời: “Xe đã tháo ra, muốn lắp lại phải trả tiền công”. Cực chẳng đã, chị Hà phải đồng ý thay dây xăng mới. “Sau khi về nhà, tôi đã gọi điện khảo giá ở cửa hàng quen và được biết giá dây xăng này chỉ khoảng từ 360.000 - 400.000 đồng nên cùng chồng đến cửa hàng sửa xe hôm trước yêu cầu tính lại giá. Thấy vậy chủ cửa hàng lập lập tức sửng cồ, chửi bới và định giở trò côn đồ để đe dọa chồng tôi”, chị Hà bức xúc. 

Vì quá bất bình, chồng chị Hà đã yêu cầu chủ cửa hàng cùng ra cửa hàng Head Honda kiểm tra, nếu đúng dây xăng này là dây xăng xịn và giá đúng là 1,2 triệu đồng anh sẽ trả gấp đôi còn nếu không đúng chủ cửa hàng phải lắp lại dây xăng cũ. Sau một hồi tranh cãi, thấy chồng chị Hà khá cương quyết, chủ cửa hàng chuyển sang giọng ngọt nhạt, thỏa thuận giảm số tiền thay dây xăng xuống còn 800.000 đồng. 

Cũng trong tình trạng tương tự, một buổi chiều khi đi làm về đến phố Huế thì thấy xe non hơi, anh Nguyễn Đình Quang (ở đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) thấy một hàng sửa xe nên anh đã ghé vào bơm. Lấy lý do đường đông, người thợ sửa xe đã yêu cầu anh Quang dắt xe lên vỉa hè. Sau khi trả tiền bơm xe hết 4.000 đồng, anh Quang dắt xe xuống đường nhưng xe không thể nổ máy. Anh Quang dắt bộ xe đến cửa hàng xe máy khác đầu phố thì được biết người bơm xe cho anh khi trước đã giật đứt dây nối đánh lửa nên xe không thể nổ được. “Hành vi này diễn ra rất nhanh và đặc biệt dễ dàng đối với xe có cốp rộng. Do vậy, khi bơm xe ở bất cứ cửa hàng nào, mọi người nên thận trọng” - anh Quang chia sẻ.

Dường như tình trạng khách hàng bị một số cửa hàng sửa xe máy “phù phép” nhằm móc hầu bao không phải là chuyện hiếm gặp. Đối với nam giới, những người có chút am hiểu về máy móc còn khó qua mặt, song với nữ giới khi xe gặp sự cố, nhân viên sửa xe bảo hỏng cái gì là họ chấp nhận thay cái đó. 

Nên đến cửa hàng uy tín

Trên đây chỉ là số ít “nạn nhân” trong số nhiều trường hợp đã trở thành mồi ngon của các cửa hàng sửa xe máy. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho khách hàng mà còn đe dọa tính mạng của chủ xe, khiến khách hàng rất bức xúc. 

Anh Trần Tuấn Bình - chủ một cửa hàng sửa xe ở phố Hàng Muối, quận Hoàn Kiếm cho biết, khách hàng nên đem xe đến các cửa hàng chính hãng để bảo dưỡng theo định kỳ và thay thế phụ tùng. Nếu không có điều kiện khách hàng nên mang xe đến những cửa hàng sửa chữa xe máy quen để tránh trường hợp bị tráo đồ, hoặc bị nhân viên “làm tiền”. Với những thao tác rất nhỏ, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của nhân viên sửa xe như tháo ốc bưởng, làm cháy bugi hay thay đồ kém chất lượng.

Cũng theo anh Bình, đối tượng mà “thợ gian” thường nhắm tới là phụ nữ và người “gà mờ” về máy móc. Vì không có kiến thức nên khi thợ sửa xe nói gì chị em cũng phải nghe. Trường hợp, gặp sự cố trên đường, các khách hàng nữ nên lưu số điện thoại của một người thợ sửa xe quen để gọi điện cho họ khi cần. Nếu buộc phải sửa xe tại các cửa hàng không quen, mọi người nên quan sát kỹ các thao tác của nhân viên sửa xe, đảm bảo chỉ sửa cái mình yêu cầu. Nếu thợ sửa xe muốn thay thế phụ tùng hay phát sinh thêm nguyên nhân hỏng hóc thì phải tìm hiểu rõ nguyên nhân hoặc gọi người có am hiểu về máy móc đến trước khi quyết định, tránh trường hợp tiền mất tật mang…