Malaysia muốn phạt nặng những kẻ tung tin giả ​

ANTD.VN - Cho dù còn những ý kiến khác nhau, song những người tung tin giả ở Malaysia có thể phải chịu án tù lên tới 10 năm nếu đạo luật mới được Quốc hội nước này thông qua.

Những đối tượng tung tin giả ở Malaysia có thể phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm nếu đạo luật mới được Quốc hội nước này thông qua

Chính quyền Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày  26-3 đã đệ trình lên Hạ viện nước này dự luật Chống tin tức giả mạo 2018 nhằm tạo cơ sở pháp lý để trừng phạt mạnh tay những đối tượng tung tin giả. Theo đó, bên cạnh những hành vi bị phạt tiền, dự luật còn đề xuất phạt tù với mức án cao nhất lên đến 10 năm đối với những cá nhân/tổ chức tung tin giả gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo dự luật đang được Hạ viện Malaysia xem xét, tin tức giả (fake news) là loại tin tức, thông tin, dữ liệu hay các báo cáo có nội dung sai sự thật một phần hay toàn phần, bao gồm thông tin hiển thị dưới dạng file ghi âm, hình ảnh, văn bản đăng tải trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội. Theo dự luật, các đối tượng (bao gồm cá nhân và tổ chức) chủ ý tạo ra, in ấn, xuất bản hoặc lan truyền tin tức giả mạo sẽ bị phạt tiền đến 500.000 ringgit (gần 130.000 USD) hoặc bị bỏ tù đến 10 năm hoặc cả hai. Các đối tượng không chịu gỡ bỏ các ấn phẩm chứa tin tức giả sẽ bị phạt tiền đến 100.000 ringgit, đồng thời phải nộp phạt 3.000 ringgit mỗi ngày cho đến khi ấn phẩm bị gỡ bỏ. 

Dự luật Chống tin tức giả mạo 2018 cũng quy định bất kỳ ai vi phạm luật này ở bên ngoài Malaysia đối với các tin tức mà chính quyền nước này cho là giả mạo liên quan đến Malaysia cũng sẽ bị trừng phạt tại Malaysia. Dự luật bao gồm những điều khoản cho phép tòa án có quyền ra lệnh đóng cửa bất cứ phương tiện xuất bản nào, nhất là các diễn đàn trên mạng xã hội, nếu có liên quan đến tin tức giả.

Trong trường hợp dự luật được Hạ viện thông qua cần phải tiếp tục chuyển lên Thượng viện xem xét và chỉ trở thành luật khi lưỡng viện của Malaysia thông qua với đa số phiếu tán thành. Dự luật Chống tin tức giả mạo 2018 mà Chính phủ Malaysia trình ra Quốc hội nước này đã gây ra những dư luận trái chiều.

Có luồng dư luận lo ngại rằng, tự do ngôn luận tại Malaysia sẽ bị xâm hại khi có khả năng Thủ tướng Najib Razak có thể lạm dụng để ngăn chặn báo chí đưa thêm thông tin về bê bối ông biển thủ hàng trăm triệu USD thông qua quỹ đầu tư quốc gia. Lo ngại này xuất phát từ việc Thủ tướng Najib Razak đang được cho liên quan tới  vụ bê bối biển thủ tiền đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở quỹ 1MDB mà hiện Mỹ đang điều tra, dù ông Najib Razak bác bỏ mọi cáo buộc.

Tuy nhiên, dự luật nhằm mạnh tay trừng phạt các đối tượng tung tin tức giả mạo cũng được nhiều người ủng hộ tại Malaysia, đất nước có 43 triệu người sử dụng điện thoại thông minh và 18 triệu người dùng mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook. 

Tin giả mạo với cá nhân có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân phẩm, duy tín hay danh dự, song với đơn vị, tổ chức và chính quyền, quốc gia còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Thời gian qua, đã có những vụ tung tin giả gây hậu quả nặng nề như Công ty    McDonald đã phải đối phó với làn sóng tẩy chay xuất phát từ những thông tin cho rằng chuỗi cửa hàng này đã tài trợ cho những người Do Thái theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, hay hãng sản xuất giày Bata Malaysia đã thiệt hại 700.000 ringgit (khoảng 180.000 USD) sau khi một giáo viên nói rằng đế của một trong số các mẫu giày của hãng này có hình giống chữ “Allah”…

Bởi thế, dù còn dư luận khác nhau, song dự luật cho phép phạt tù tới 10 năm đối tượng tung tin giả mạo được cho là biện pháp mạnh, đủ sức răn đe nhằm hạn chế, giảm thiểu nạn tin giả tại Malaysia.