Malaysia: Bùng phát bạo lực súng đạn

ANTD.VN - Mặc dù quy định sở hữu súng cá nhân ở Malaysia thuộc diện khắt khe trên thế giới, nhưng những vụ cướp giật có vũ trang, thanh toán bằng súng đạn giữa ban ngày ở chốn đông người trong thời gian gần đây tiếp tục dấy lên mối lo ngại về tính mạng của dân thường và báo động nạn buôn lậu súng.

Bị thủ tiêu giữa ban ngày

Ông V. Kandasamy (43 tuổi), được cho là một chủ nợ ở Malaysia đã bị bắn chết với 16 phát đạn ở khu vực Setapak Central (Kuala Lumpur) vào chiều 27-7-2016.

Tờ The Star dẫn lời lãnh đạo Cơ quan điều tra hình sự TP Kuala Lumpur, ông Rusdi Mohd Isa cho biết, chiều 27-7 (giờ địa phương), khi ông Kandasamy đang dừng đèn đỏ trên con đường gần trung tâm mua sắm ở khu vực Setapak Central thì bất ngờ bị 2 tay súng đồng loạt nã đạn cả bên trái và bên phải.

Theo điều tra ban đầu, tay súng ở bên phải chiếc xe đã bắn khoảng 3-4 phát súng, trong khi tay súng còn lại bắn đến 12 phát. Cả 2 tay súng nhanh chóng lên xe tẩu thoát sau đó. Vụ việc đã được camera giao thông ghi lại.

Theo The Star, kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy, nạn nhân trúng nhiều vết đạn ở đầu, chân tay và một số khu vực khác. Trước khi bị giết, ông Kandasamy đang trên đường tới gặp một người họ hàng. Được biết, ông Kandasamy có liên quan tới một số băng đảng ở Malaysia. 

Cách đó ít ngày, Thủ đô Kuala Lumpur cũng chấn động vì vụ nã súng giữa ban ngày. 2 tay súng đi xe máy bắn 5 phát đạn vào xe hơi của Wong Siew Ling (32 tuổi, nhân viên địa ốc), khiến chị này thiệt mạng. Cô con gái 8 tuổi của nạn nhân may mắn sống sót dù bị trúng 2 phát đạn.

Theo tờ The New Straits Times (Singapore), khi gặp nạn, chị Wong chở theo 5 đứa trẻ và 1 người giúp việc. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện chủ mưu là một cặp vợ chồng doanh nhân nợ chị Wong hơn 3,2 triệu USD. Bị đòi tiền, họ chi khoảng 15.000 USD thuê giang hồ giết chủ nợ. Cặp vợ chồng này và 2 sát thủ đã bị bắt hôm 19-7.

Kể từ tháng 1 tới nay, ít nhất 11 vụ nổ súng đã xảy ra ở Malaysia, làm 8 người thiệt mạng. Malaysia trước đó từng chứng kiến ít nhất 30 vụ nổ súng giết người trong vòng 4 tháng hồi năm 2013.

Thời gian này, Chính phủ Malaysia bãi bỏ pháp lệnh Khẩn cấp (EO) - ra đời năm 1969 cho phép giam giữ vô thời hạn những kẻ quấy rối an ninh quốc gia. Vô tình thời điểm ban bố đạo luật lại trùng với việc gần 2.500 tù nhân được trả tự do, nhiều người trong số này là xã hội đen.

Luẩn quẩn trong vòng xoáy tội phạm

Lần này, chưa rõ nguyên nhân làm bùng phát bạo lực súng đạn là gì nhưng giới chức Malaysia cho rằng có liên quan đến tranh chấp giữa các băng nhóm hoặc cạnh tranh trong làm ăn. Đặc biệt, ông Noor Rashid Ibrahim, Phó Tổng thanh tra Cảnh sát Hoàng gia Malaysia (PDRM), không loại trừ khả năng tồn tại những băng nhóm giết thuê và nhiều sát thủ là thành viên các hội kín.

Để xoa dịu công chúng, mới đây cảnh sát Malaysia tuyên bố đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm xử lý xã hội đen và những kẻ giết thuê. Cảnh sát cũng cho biết họ đặc biệt xem trọng các vụ giết người nơi công cộng này và đang cố gắng siết chặt quản lý biên giới Malaysia nhằm ngăn chặn buôn lậu vũ khí.

Theo báo The New Straits Times, quy định sở hữu súng cá nhân ở Malaysia thuộc diện khắt khe trên thế giới. Người có nguyện vọng phải xin giấy phép từ sở cảnh sát, có khi mất đến 2 năm, đồng thời phải vượt qua các cuộc kiểm tra thể chất và kỹ năng bắn súng hàng năm.

Người sở hữu hoặc mang súng trái phép có thể bị tù đến 7 năm, phạt 10.000 ringgit và bị đánh roi. Tuy nhiên, để có được một khẩu súng lậu ở Malaysia không quá khó nếu có quen biết trong giới “chợ đen”. Cảnh sát cho biết súng thường được nhập lậu từ miền Nam Thái Lan hoặc khu vực phía Nam Philippines và Indonesia.

Theo The Star, vũ khí dễ dàng được tuồn vào Malaysia sau khi được tháo rời ở Thái Lan và được nhiều người mang qua biên giới. Khi qua cửa khẩu, súng được lắp lại như cũ và bán cho người mua đã đặt hàng. Một quan chức biên phòng cho hay rất khó phát hiện kẻ buôn lậu vì bọn chúng có thể là bất cứ ai, từ người chạy xe mô tô, lái xe xe buýt đến hành khách. Các phần của vũ khí có thể được giấu bên trong những ngăn ngầm của xe cộ và túi, cũng như lèn bên dưới va li áo quần.

Một khẩu súng lậu được bán với giá từ 2.000 - 3.000 ringgit tại biên giới, còn nếu giao hàng tận nơi sẽ có giá từ 10.000 đến 12.000 ringgit. Có thông tin rằng có một băng đảng cho thuê súng và chỉ cần có vài trăm ringgit đã có thể có một khẩu súng trong vài giờ. Đạn thì chỉ có 80 xu một viên.

Tiến sĩ P. Sundramoorthy, nhà tội phạm học thuộc trường ĐH Khoa học Malaysia, lo ngại: “Luôn có rủi ro lạc đạn gây nguy hiểm cho người dân vô tội”. Trong khi đó, nghị sĩ đối lập Sim Tze Tzin cảnh báo: “Mạng sống của người dân Malaysia đang bị đe dọa trước những vụ xả súng máu lạnh. Chính phủ phải hành động nhanh chóng”.